Thông tin về FCTC, Thạc sĩ Phan Công Hiếu, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ: FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe - là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới. Ngày 11-11-2004, Việt Nam đã phê chuẩn FCTC của WHO và có hiệu lực từ ngày 17-3-2005. Hiện, có 182 quốc gia trên thế giới tham gia Công ước này.

Về nội dung tại Điều 5.3 đã nêu rõ: Khi xây dựng và triển khai các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, các bên tham gia Công ước khi thực hiện bất kỳ tương tác cần thiết nào với ngành công nghiệp thuốc lá cần thực hiện theo cách mà không tạo ra ý niệm về quan hệ đối tác hay hợp tác có tiềm năng bắt nguồn từ hay dựa trên tương tác đó. Các quốc gia thông gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận tư cách đối tác hay những thỏa thuận không ràng buộc hay không ràng buộc thi hành, cũng như bất kỳ dàn xếp tự nguyện nào với ngành thuốc lá hay bất kỳ tổ chức cá nhân nào làm việc vì quyền lợi của ngành công nghiệp thuốc lá. Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo.

Một bệnh nhân trẻ đang điều trị do ngộ độc thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai. ẢNH: THANH MAI

Thạc sĩ Phan Công Hiếu cho biết thêm, để triển khai Điều 5.3 FCTC, Bộ Y tế đã xây dựng báo cáo trình Chính phủ về quan điểm tiếp cận giảm tác hại đối với thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá nung nóng; báo cáo trình Chính phủ về quan điểm không tiếp và làm việc với Tập đoàn Philip Morris để trao đổi về quản lý thuốc lá nung nóng; báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý. Người dân cũng có sự chuyển biến trong nhận thức về tác hại của thuốc lá cũng như việc thực thi nghiêm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng, tại nơi cấm hút thuốc lá.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà chúng ta cần phải đẩy mạnh thực hiện để nỗ lực giảm tác hại thuốc lá đạt hiệu quả cao hơn, đó là các chính sách kiểm soát thuốc lá. Ngoài ra khung pháp lý dành cho thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có trong khi sản phẩm này ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Theo các chuyên gia, trong khi chờ ban hành, sửa đổi các quy định mới để quản lý hiệu quả các loại thuốc lá mới này, cơ quan chức năng cần có biện pháp, quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu. Tiến hành rà soát lại, xác định rõ trong luật, các sản phẩm thuốc lá bao gồm loại gì, có mô tả hết sức cụ thể, rõ ràng, đánh giá kỹ tác động. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan mới có thể tiếp tục ban hành nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn để xử lý, quản lý các sản phẩm này.

AN AN  

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.