Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng đơn nguyên về rối loạn tâm thần stress (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai): Gần đây, Viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân sau thời gian dài điều trị các bệnh lý về tiêu hóa, thần kinh... đã tìm được căn nguyên là do rối loạn dạng cơ thể điển hình.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh thăm khám cho một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Đơn nguyên về rối loạn tâm thần stress, chia sẻ, Viện mới tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân TMH (54 tuổi, ở Bắc Giang). Bệnh nhân nhập viện sau một thời gian dài bị nóng rát vùng thượng vị, ngực, hồi hộp, mất ngủ, đau nhiều khi ăn uống, sụt cân...

Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết bị stress, khó ngủ, giấc ngủ ngắn và không sâu; sau đó thấy đau tức vùng thượng vị, cảm giác thức ăn trào ngược lên họng, thấy sợ ăn uống và đã sút khoảng 7kg trong 6 tháng. Bệnh nhân đi khám, chụp chiếu khắp nơi, được chẩn đoán viêm dạ dày-trào ngược thực quản, uống thuốc đỡ được ít ngày song đâu lại vào đấy. Bệnh nhân nghĩ mình bị ung thư, đi khám ở những bệnh viện lớn nhưng kết quả vẫn không xác định được tình trạng bệnh.

Luôn cho rằng mình bị bệnh mà bác sĩ không tìm ra, hoặc tìm thấy mà không nói thật với mình, bệnh nhân rơi vào tình trạng chán nản. Chỉ khi đến khám ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân mới được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Khi được bác sĩ chỉ định nhập Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia để điều trị, bệnh nhân mới ngủ được, đỡ than phiền về các triệu chứng cơ thể.

Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh thông tin, trường hợp bệnh nhân TMH không phải là trường hợp cá biệt bị rối loạn dạng cơ thể. Gần đây, số người mắc bệnh này có xu hướng gia tăng. Ví dụ, một bệnh nhân nam luôn ám ảnh mình bị nhiễm HIV sau khi tiếp xúc với người có HIV. Bệnh nhân đã đi khám ở rất nhiều nơi, thậm chí ra cả nước ngoài làm xét nghiệm, mọi kết quả đều khẳng định không mắc HIV. Nhưng dù bác sĩ có giải thích, động viên thế nào, bệnh nhân cũng vẫn cho rằng mình bị nhiễm HIV. Cũng lại có người cho rằng mình bị đau tim, đau dạ dày, khó thở... đi khám các bệnh viện nhưng không ra bệnh thì tự ý mua thuốc uống.

"Có những bệnh nhân chụp chiếu, thăm khám hằng năm nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên của bệnh. Điều này khiến bệnh nhân cho rằng mình mắc bệnh nào đó mà bác sĩ cũng không tìm ra, dẫn đến dễ bị stress", bác sĩ Dương Minh Tâm nói.

Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, các liệu pháp tâm lý là cách điều trị quan trọng nhất đối với bệnh rối loạn dạng cơ thể. Bệnh nhân cần được theo dõi và giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mạn tính, lúc đó, việc điều trị rất khó khăn.

Bác sĩ Tâm cũng khuyến cáo nhiều bậc phụ huynh chăm sóc con mình quá cẩn thận; trẻ được nuôi dạy bao bọc quá sẽ rất dễ mắc phải căn bệnh này, bởi chúng không thể mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần như những đứa trẻ được sống trải nghiệm, đồng hành với khó khăn, vất vả cùng bố mẹ. Vì thế, phải giáo dục cho trẻ nhân cách và sống có lý trí, có trách nhiệm, sẽ loại bỏ được những căng thẳng không đáng có.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.