Bệnh nhân Lò Thị Lả (64 tuổi ở huyện Văn Chấn) nhập viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) vào đêm 15-12. Bác sĩ Giàng A Vừ (khoa Hồi sức tích cực), chia sẻ: “Khi có thông tin sắp có bệnh nhân xuất huyết não cấp cứu, ngay lập tức, ê kíp bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT, xét nghiệm máu... Sau khi xác định loại trừ khả năng bệnh nhân bị xuất huyết não, chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết cho người bị nhồi máu não được đưa ra, sau 2 giờ 30 phút từ khi bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý này.
Sau 1 tiếng truyền chậm thuốc và liều tăng cường, bệnh nhân liên tục được theo dõi 15 phút/lần. Tới sáng 16-12, nữ bệnh nhân cải thiện tình trạng nói ngọng, mạch máu được tái thông. Một ngày sau vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, trao đổi được với bác sĩ, bắt đầu cử động được 1/2 người phải”.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chúc mừng bệnh nhân Lò Thị Lả: “Bác thực sự may mắn vì được đưa đến bệnh viện kịp thời, được các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và xử trí nhanh”.
Đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của ê kip bệnh viện trong chẩn đoán sớm, chính xác tình trạng bệnh nhân, ông Nguyễn Trọng Khoa cho hay điều này rất quan trọng bởi đó là "chìa khoá" để đưa ra chỉ định kịp thời, cứu sống người bệnh. Nếu như trước kia, một ca đột quỵ, nhồi máu não hay xuất huyết não ở khu vực thị xã Nghĩa Lộ phải chuyển lên Hà Nội, thời gian di chuyển nhanh nhất là 3,5 giờ đồng hồ.
Chưa kể thời gian chụp chiếu, xét nghiệm trước can thiệp, nghĩa là bệnh nhân sẽ bị trễ quãng "thời gian vàng" điều trị. Để được kết quả này là nhờ được các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai đào tạo. Đến thời điểm hiện tại, nhờ làm chủ kỹ thuật cao, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã điều trị thành công bệnh nhân đột quỵ bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết. Và cũng nhờ triển khai khám chữa bệnh từ xa cũng như làm chủ được một số kỹ thuật do tuyến trên cầm tay, chỉ việc mà tỷ lệ chuyển tuyến tại đây có xu hướng giảm, từ 3,4% thời gian trước, xuống 3% giai đoạn hiện nay.
 |
Bệnh nhân Lò Thị Lả được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) cứu chữa kịp thời.
|
Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Bái, bệnh nhân nam N.X.H (48 tuổi) nhập viện trong tình trạng bụng chướng, đau nhiều ở vùng hạ sườn phải, có cảm ứng phúc mạc. Dựa trên kết quả xét nghiệm thấy người bệnh có tình trạng bạch cầu tăng, phim chụp cắt lớp vi tính phát hiện dịch khí tự do ổ bụng, được chẩn đoán viêm phúc mạc do vỡ tạng rỗng nghi vỡ tá tràng.
Nhận thấy đây là một ca bệnh khó, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã xin ý kiến chỉ đạo từ các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Dưới sự tư vấn của GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua truyền hình trực tuyến, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiến hành khâu vỡ ruột non, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho hay, xác định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là khâu đột phá, thời gian qua, Bệnh viện đã chú trọng triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương. Ngoài duy trì các kỹ thuật hiện có, Bệnh viện liên tục phát triển các kỹ thuật cao vượt tuyến...
Cụ thể, về lĩnh vực tim mạch, Bệnh viện được trang bị và đã làm chủ được các kỹ thuật can thiệp mạch trên máy DSA, nút mạch điều trị u gan, chấn thương lách, điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới bằng lasez; đặt máy tạo nhịp, holter huyết áp, điện tim. Bệnh viện cũng tiến hành được các kỹ thuật cao như phẫu thuật thay khớp háng, thay khớp gối; phẫu thuật nội soi khớp gối; phẫu thuật sọ não; u não; phẫu thuật nội soi lấy máu tụ nội sọ, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật vi phẫu... Ngoài ra, Bệnh viện còn thực hiện các kỹ thuật cao khác như phẫu thuật nội soi ổ bụng; tán sỏi qua da; tán sỏi nội soi ngược dòng qua niệu đạo; phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến; các phẫu thuật cấp cứu ổ bụng; điều trị ung thư bằng hóa chất, phẫu thuật.
Xác định nhân lực là vấn đề cốt lõi trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xóa mờ khoảng cách y tế miền núi, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái liên tục cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn và theo dõi hội chẩn trực tuyến qua hệ thống Telemedicine, Telehealth, kết nối với các bệnh viện Trung ương. Nhờ đó, các bệnh viện luôn được học tập, nâng cao để triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Bài, ảnh: DIỆP CHÂU