Với sự cấp cứu kịp thời, chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng liên chuyên khoa và áp dụng kỹ thuật chuyên sâu, ông L.T.T, 86 tuổi, ở phường Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn, ngừng tim, ngừng thở ngoại viện đã được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (BVĐK) cứu sống ngoạn mục. Sau hơn một tháng điều trị tích cực, ông T đã hồi phục một cách thần kỳ và được ra viện trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình và người thân. Không giấu được xúc động, người thân của ông T. cho biết: “Khi đưa ông vào bệnh viện, cả gia đình tôi đều nghĩ rằng cơ hội cứu sống ông chỉ là 1%, cả gia đình đều nghĩ lần này chắc ông sẽ không qua khỏi. Vậy mà, như một giấc mơ, hôm nay gia đình được đón ông về trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo và không để lại bất kỳ di chứng nào. Tôi không biết nói gì, chỉ xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các y, bác sĩ đã hết lòng vì bệnh nhân”.

Ông L.T.T, 86 tuổi, ở phường Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) được cứu sống trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở ngoại viện.

Ông T là một trong rất nhiều bệnh nhân được các y, bác sĩ BVĐK tỉnh Thanh Hóa cứu sống thần kỳ trong năm 2024. Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Hoàng Hữu Trường, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các khoa, trung tâm của Bệnh viện đã không ngừng hoàn thiện và nâng tầm các kỹ thuật chuyên sâu trên rất nhiều chuyên ngành đã ứng dụng trong các năm trước đây để đáp ứng yêu cầu của Bệnh viện chuyên sâu. Nhiều ca bệnh khó, ca bệnh đặc biệt được cứu sống như: Phẫu thuật và truyền 65 đơn vị máu cứu sống nam bệnh nhân bị sốc mất máu do đa vết thương phức tạp; nối thành công bàn tay đứt rời cho nữ bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt; cứu sống nam thanh niên sốc đa chấn thương, vỡ tim, dập và vỡ phổi hai bên nghiêm trọng do tai nạn giao thông; phẫu thuật cứu sống nam bệnh nhân tự đóng đinh sắt dài 5cm vào đầu; phẫu thuật cấp cứu nam bệnh nhân bị xà beng đâm xuyên thành bụng....

Thành tựu nổi bật về lĩnh vực ngoại khoa là những kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp được thực hiện thường quy ở tất cả các chuyên khoa, là một bước tiến quan trọng góp phần khẳng định sự phát triển y tế chuyên sâu của y tế tỉnh như: Phẫu thuật nội soi với can thiệp xâm lấn tối thiểu; phẫu thuật cột sống, kết xương phức tạp, thay khớp nhân tạo, phẫu thuật cắt dạ dày toàn bộ, cắt khối u trung thất, u phổi, u màng ngoài tim, mổ tim hở và nội soi, gần đây là phẫu thuật nội soi thay van tim nhân tạo, thay đoạn động mạch chủ, làm cầu nối động mạch vành.... những kỹ thuật mà tưởng chừng khó có thể thực hiện được tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Từ tháng 6-2018 đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công 20 ca ghép thận.

Riêng năm 2024, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã có 23 kỹ thuật mới, chuyên sâu được ứng dụng thành công, tiêu biểu như: Cắt gan do ung thư bằng phương pháp Takasaki; phẫu thuật chấn thương cột sống cổ cao cố định C1,C2, phẫu thuật nội soi cột sống thắt lưng qua liên bản sống; sử dụng ICG trong phẫu thuật nội soi cắt thận và cắt bán phần thận, bóc nhân tuyến tiền liệt nội soi bằng Laser Thulium; kiểm soát thân nhiệt trong hồi sức tích cực và kỹ thuật đặt filter tĩnh mạch chủ dưới…

Hiện nay, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú ổn định 1.600-1.800 người/ngày và có xu hướng gia tăng số ca nặng, nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên. Hiện nay, Bệnh viện đã mở rộng và tăng cường cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe nghề nghiệp cho 14 cơ quan, doanh nghiệp với gần 5.000 người khám mang lại nguồn thu chính đáng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế cho Bệnh viện. Các dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội được các khoa, phòng, trung tâm quan tâm triển khai và ngày càng chuyên nghiệp hóa.

Đến nay các kỹ thuật và tiến bộ mới trong điều trị, can thiệp nội khoa và ngoại khoa ngày càng xích lại gần hơn, nhiều bệnh lý nếu như trước đây chỉ có thể giải quyết bằng phẫu thuật ngoại khoa thì nay phần lớn có thể chỉ cần điều trị nội khoa và can thiệp như nút mạch, vi sóng điều trị khối u, bít dù các lỗ thông trong bệnh tim bẩm sinh, tiêu sợi huyết, can thiệp mạch não lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Soliter giải thoát di chứng liệt cho bệnh nhân nhồi máu não, đặt coil điều trị túi phình mạch não; chụp và can thiệp đặt stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần RF; bơm xi măng cột sống điều trị bệnh lý cột sống; giảm đau theo mô hình Nhật Bản; ứng dụng thành công kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành, tiếp nối cho chuỗi kỹ thuật đặt Stent Graft điều trị phình động mạch chủ, kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) trong can thiệp động mạch vành nâng cao… Tiếp tục hoàn thiện và ứng dụng thường quy những dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu như: Kỹ thuật oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (ECMO), phẫu thuật nối chi thể, ghép thận, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi nâng cao ở hầu hết các chuyên ngành ngoại khoa và ứng dụng phẫu thuật nội soi 3D, 4K, Robot; can thiệp mạch vành, mạch não, mạch ngoại vi và nút mạch cầm máu cấp cứu, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch…

Trong lĩnh vực cận lâm sàng với việc đầu tư, lắp đặt nhiều trang thiết bị y tế tân tiến, hiện đại, hàng loạt kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu về hóa sinh, huyết học, sinh học phân tử, vi sinh được triển khai ứng dụng đã góp phần giải mã được những ẩn trắc về những căn bệnh phức tạp, tìm kiếm phát hiện sớm những bệnh tật khi chưa có triệu chứng lâm sàng.

Anh Quách Văn L, ở xã Xuân Khang, huyện Như Thanh, được cứu sống trong tình trạng bị một thanh xà beng đâm xuyên ngực. 

Gần đây trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bệnh viện cũng đã khẩn trương triển khai phòng xét nghiệm Sars-Cov-2 cùng chung tay phòng chống dịch. Cuối năm 2019 Phòng xét nghiệm Khoa Hóa sinh, Trung tâm Huyết học - Truyền máu và Vi sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012. Năm 2022, Bệnh viện đã khánh thành phòng xét nghiệm thông minh, là một trong số rất ít các bệnh viện tại Việt Nam áp dụng trọn vẹn giải pháp xét nghiệm "một chạm"; hoàn thành bệnh án điện tử (EMR)... Đây là bước chuyển biến mạnh mẽ góp phần khẳng định chất lượng, uy tín, vị thế và thương hiệu bệnh viện

Đặc biệt, từ tháng 6-2018, BVĐK tỉnh Thanh Hóa được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não, kể từ đó đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 20 ca ghép thận từ người cho sống cùng huyết thống, khác huyết thống, từ người cho chết não và đã áp dụng ngay kỹ thuật lấy thận người cho bằng phương pháp nội soi, trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận trên người cho chết não; đây cũng là bước ngoặt quan trọng khẳng định sự phát triển y tế chuyên sâu của ngành y tế nói chung và BVĐK tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

BVĐK tỉnh Thanh Hóa mong muốn sự quan tâm hỗ trợ chuyển giao đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương.

Thầy thuốc Nhân dân, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Sỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đến nay, chúng tôi có hơn 60 cán bộ, nhân viên được đào tạo chuyên sâu ghép tạng và đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận. Thời gian tới, chúng tôi rất mong được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như sự cho phép khi chúng tôi hoàn thành các điều kiện; đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ chuyển giao đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như là các bệnh viện tuyến Trung ương để chúng tôi có thể tiến tới ghép các dạng khác, như là ghép gan, ghép tim. Đây cũng là khát vọng cống hiến, đóng góp cũng như là giúp cho người dân có điều kiện thụ hưởng ngay tại địa phương mình những dịch vụ y tế chuyên sâu, giúp cải thiện sức khỏe của người dân cũng như sức khỏe của cộng đồng, đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

HOÀNG KHÁNH TRÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.