Theo ước tính, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 800 trường hợp tung tin giả kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận cho đến nay, đặc biệt, có những trường hợp đã bị khởi tố hình sự...

Mới đây nhất, nhân viên một công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh đã bị xử phạt 10 triệu đồng khi đăng tải thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận trên trang facebook cá nhân trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trước đó, một cô gái cũng bị phạt 7,5 triệu đồng khi chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh giả mạo phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và khuyên mọi người nên “suy nghĩ lại” khi đi du lịch bởi tình hình dịch bệnh “đang rất căng thẳng”...

Rõ ràng là sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm khi thông tin trên mạng xã hội, nhất là những thông tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiễu loạn, bất ổn trong xã hội, gây cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế, khiến cuộc chiến chống dịch bệnh càng trở nên khó khăn, phức tạp...

Do đó, điều mà mỗi công dân cần làm lúc này là cần có "bộ lọc" trước những thông tin thu nhận từ các mạng xã hội; nói không với các tin đồn, không nghe theo và không lan truyền thông tin không xác thực; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Mặt khác, chúng ta nên lan truyền những thông tin tích cực hơn, như câu chuyện về sự tập trung toàn lực hỗ trợ, “chia lửa” với Đà Nẵng chống Covid-19 của các bộ, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng... Đó còn có thể là những dòng chia sẻ hay những hình ảnh cổ động tinh thần chống dịch ở Đà Nẵng của hàng triệu người dùng mạng xã hội nhằm lan tỏa đến cộng đồng những trạng thái tích cực nhất... Đặc biệt, cần bình tĩnh, thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng, quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó cũng chính là cách ứng xử văn hóa, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng!

THU GIANG (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh)