Thời gian gần đây, những cơn sốt đất cục bộ xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố gây ra nhiều hệ lụy. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là vấn đề gây ra nhiều bức xúc của người dân nhưng chưa có thuốc trị hiệu quả.
Tôi được biết, ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội như: Hoài Đức, Đông Anh, Hòa Bình, ven sông Hồng; hay Hạ Long (Quảng Ninh), TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác cảnh tượng người mua đất, các môi giới tập trung xem đất, giao dịch nhộn nhịp khiến cho giá đất tăng chóng mặt. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, các đối tượng "cò đất" đa phần hoạt động theo nhóm, mà tạo thành một mạng lưới với những chiêu trò tung hứng với nhau, tự thổi giá, gây nhiễu thông tin, lan truyền thông tin về sốt đất để lôi kéo những người muốn đầu tư tìm về. Khi có nhiều người tìm về, họ dàn cảnh cho những người khác cũng đến tìm mua đất rồi nhanh chóng đặt cọc, sau đó họ kích giá để làm giá đất tăng cao, điều chỉnh thời gian đến khi “bong bóng” nổ…
 |
Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Chính việc đất tăng giá đã gây không ít lo ngại cho các người dân, doanh nghiệp và thậm chí cho cả cơ quan quản lý nhà nước. Các chuyên gia nhận định, nếu không sớm có giải pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thu hút đầu tư của cả nước.
Để có biện pháp quản lý hiệu quả, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm, không để việc sốt đất diễn ra trong thời gian dài. Tại mỗi tỉnh, thành phố có thể tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt; giải tán các chợ bất động sản “cò nhà đất” lập ra. Thông tin chính xác về tình trạng quy hoạch, những rủi ro gặp phải… nhằm không để hình thành hiệu ứng đám đông. Bên cạnh đó, biện pháp lâu dài là phải xây dựng được dữ liệu quốc gia về giá đất, nhà nước kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực sẽ giúp ngăn chặn tình trạng "bong bóng" bất động sản, đồng thời việc này sẽ tránh được kiểu mua bán trao tay, vừa rủi ro cho người mua, vừa thất thoát về thuế của nhà nước.
HỒNG QUANG