Dù đã xuất hiện từ 40 năm trước và y học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng tình trạng khẩn cấp về AIDS trên toàn cầu vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Mỗi năm, toàn thế giới vẫn có 1,7 triệu người mới nhiễm HIV và 690.000 người tử vong do AIDS. Các bất bình đẳng vẫn khiến những người ít có tiếng nói nhất phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtv.vn

Đại dịch Covid-19 chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới về sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Không ai được thực sự an toàn cho đến khi mọi người dân đều được an toàn.

Ở Việt Nam, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và hệ thống xét nghiệm rộng trong cộng đồng, các thay đổi về phương pháp (xét nghiệm sớm, điều trị sớm và điều trị đúng), chúng ta đã kiểm soát được đại dịch AIDS.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam hiện là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Với những thành công đạt được, để thực hiện Chiến lược quốc gia về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, nhất là khi chúng ta chuyển đổi từ mô hình được tài trợ quốc tế đến dùng nguồn kinh phí trong nước, Việt Nam cần chủ động đưa ra chiến lược phòng, chống như các gói bảo hiểm y tế, huy động nguồn hợp tác quốc tế, kinh phí địa phương, các gói hỗ trợ kinh tế với những người dân nghèo, cũng như thu phí với những hoạt động cần thu phí.

Với những kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19, chúng ta đã biết rằng để kết thúc được đại dịch AIDS và đánh bại được Covid-19, chúng ta phải lấy người dân làm trung tâm, để mọi người dân ở khắp mọi nơi đều có thể tiếp cận thông tin và có quyền được chữa trị.

Có thể thấy, những gì đại dịch HIV/AIDS đang diễn ra trên thế giới và Việt Nam thì cuộc chiến này vẫn chưa dừng lại và Chiến lược quốc gia về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, quyết tâm tiêu diệt căn bệnh thế kỷ này.

PHƯƠNG HOÀNG (Hải Châu, Đà Nẵng)