Theo đó, giáo viên thể dục của các trường tiểu học, trung học cơ sở, hướng dẫn viên tại Trung tâm thể dục thể thao của 7 địa phương: Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nội sẽ tham gia lớp tập huấn, sau đó trở về địa phương cập nhật kiến thức cho các đồng nghiệp và trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Theo tôi, đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh tai nạn đuối nước vẫn đang ở mức báo động cao tại Việt Nam.

Theo thống kê, trung bình, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ đuối nước đặc biệt tăng cao vào mùa Hè do trời nắng nóng gay gắt, cũng như đây là khoảng thời gian các em được nghỉ học nên nhu cầu vui chơi gia tăng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đuối nước là do trẻ thiếu các kỹ năng an toàn và do sự xao nhãng, bất cẩn của cha mẹ, người giám hộ. Theo khảo sát, chỉ có 30% trẻ em từ 6 đến 14 tuổi biết bơi, hơn 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Hiện nay, việc dạy bơi tại nhiều địa phương trong cả nước còn gặp khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi, nhất là các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ là vô cùng quan trọng. Việc dạy bơi cần được tiến tới phổ cập trong các cấp học, mọi trẻ em dù ở miền núi hay miền xuôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay thành thị đều có cơ hội được học bơi. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, Việt Nam đã tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc dạy bơi, học bơi trong thời gian tới, góp phần làm giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em.

VŨ HOÀNG YẾN (TP Quy Nhơn, Bình Định)