Bởi vậy, người lao động đều mong, dù doanh nghiệp có khó khăn nhưng thực tâm chăm lo cũng ít nhiều động viên với người lao động, tránh tình trạng một số nơi lợi dụng các quy định mới để cố tình "né" thưởng Tết hoặc thưởng quá thấp theo kiểu "cho có" khiến người lao động chạnh lòng.
Theo con số thống kê của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), một số địa phương, thưởng Tết năm nay có xu hướng giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Trong điều kiện dịch bệnh, câu chuyện thưởng Tết sắp tới thật sự là bài toán hóc búa đối với doanh nghiệp. Phấn đấu lắm họ mới bảo đảm được việc làm và thu nhập ổn định ở mức trung bình. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã tìm đủ cách xoay xở để thưởng Tết cho người lao động một tháng tiền lương theo hợp đồng hoặc lương cơ bản.
 |
Ảnh minh hoạ. Nguồn: baoquangninh.com.vn |
Chẳng hạn ngành dệt may năm 2020 dù phải đối diện rất nhiều thách thức, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh bị "đứt gãy", không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Giữa cái “khó” ló cái “khôn”, họ nhanh chóng triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách, ứng phó linh hoạt, đặc biệt là việc chuyển nhanh sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế đã từng bước vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Tại Hà Nội, theo thống kê của gần 6.500 doanh nghiệp, mức thưởng Tết năm nay được xác định giảm nhẹ, bình quân 4,2 triệu đồng/người, thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp dân doanh ở mức 400 triệu đồng/người và thấp nhất là 700.000 đồng/người. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết có chiều hướng giảm so năm 2020. Tiền thưởng Tết Nguyên đán cao nhất hơn một tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành cơ điện lạnh, còn bình quân gần 9 triệu đồng/người, giảm 12% so với năm 2019.
Như vậy, mức thưởng Tết "khủng" không còn nhiều như những năm trước, nhưng người lao động đều nhận mức thưởng dao động từ 5 đến 7 triệu đồng, đã phần nào thực hiện nghiêm minh và công bằng các quy định thưởng - phạt trong doanh nghiệp, tạo động lực giúp người lao động nỗ lực cống hiến sức lực và trí tuệ cho đơn vị mình làm việc.
Có thể thấy, chỉ doanh nghiệp nào thực sự chăm lo, chu đáo với người lao động – linh hồn của doanh nghiệp, coi đó chiến lược dài hơi thì doanh nghiệp đó mới có đủ “sức khoẻ” vượt qua những biến động khôn lường của thị trường.
HOÀNG DƯƠNG (Long Biên, Hà Nội)