Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc là vấn đề bức xúc của xã hội từ bấy lâu nay. Bất cứ ngành nghề, mặt hàng nào cũng có thể làm giả, từ mỹ phẩm, dược phẩm đến hàng điện tử, gia dụng, hàng công nghệ cao, thức ăn chăn nuôi... Theo số liệu thống kê, tình hình vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại đang có chiều hướng phức tạp và nguy hiểm hơn. Do lợi nhuận từ hàng giả, hàng nhái đem lại khá cao nên nhiều gian thương đã bất chấp tất cả, không từ bỏ một thủ đoạn nào để thu lợi về mình.

 
 Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa phục vụ dịp Tết. Ảnh minh họa: TTXVN.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn lan trên thị trường một phần do sự thiếu hiểu biết, ham giá rẻ của người tiêu dùng, mặt khác do các doanh nghiệp sản xuất chưa có nhiều động thái tích cực trong việc tuyên truyền cho người bán lẫn người tiêu dùng nắm bắt sản phẩm giả, thật, cũng như tố giác hàng gian, hàng giả với cơ quan chức năng.

Có thể nói, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đòi hỏi sự phối hợp tích cực từ nhiều phía, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, thời gian triển khai từ ngày 20-12-2020 đến ngày 28-2-2021. Hy vọng rằng, với kế hoạch đấu tranh quyết liệt, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại... của các cơ quan chức năng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

NGUYỄN THỤC QUYÊN (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)