 |
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long. |
Phóng viên (PV): Có rất nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng mua BHYT, nhưng lại không thuộc diện nghèo nên không được hỗ trợ kinh phí mua thẻ. Vậy việc hỗ trợ các bệnh nhân này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều bố trí ngân sách địa phương để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng mua thẻ BHYT nhưng không thuộc diện nghèo, cơ sở điều trị HIV/AIDS gửi danh sách các bệnh nhân cần hỗ trợ mua thẻ cho đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS để rà soát, tổng hợp, mua và cấp thẻ từ các nguồn huy động hợp pháp. Hiện quy trình hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV chỉ yêu cầu các cơ sở điều trị HIV/AIDS tổng hợp danh sách bệnh nhân điều trị ARV có nhu cầu mua và cấp thẻ BHYT theo biểu mẫu quy định của cơ quan BHXH. Đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh tổng hợp danh sách người nhiễm HIV cần mua và cấp thẻ BHYT của tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn gửi cơ quan BHXH rà soát nhằm tránh cấp trùng thẻ BHYT. Sau khi rà soát, cơ quan BHXH thông báo cho đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS danh sách người nhiễm HIV sau rà soát để được cấp thẻ BHYT. Như vậy, về cơ bản, bệnh nhân không phải làm các thủ tục giấy tờ phức tạp mà chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin theo biểu mẫu quy định của cơ quan BHXH.
 |
Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng chế độ bảo hiểm y tế. Ảnh: DƯƠNG NGỌC |
PV: Ông có thể cho biết việc mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV đang được triển khai như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV thì tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên; năm 2015 là 30% thì nay đã hơn 90%. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT, như: Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau. 42 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT với bệnh nhân điều trị ARV trên 90%. Đến ngày 31-10-2019, hơn 42.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT tại 188 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước, tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua BHYT.
PV: Phương hướng triển khai điều trị ARV qua BHYT thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng chi trả của Quỹ BHYT cho điều trị HIV/AIDS. Thời gian tới, ngoài việc đôn đốc quyết toán sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT của các cơ sở điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế cố gắng mở rộng bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV dao động 90-91%; trong đó có 51 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%. Còn 9 tỉnh có tỷ lệ dưới 90%, thấp nhất là TP Hồ Chí Minh (80%). 10% còn lại khó khăn trong việc tiếp cận BHYT do tâm lý sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT. Mặt khác, còn tình trạng bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Chưa kể bệnh nhân ngoại tỉnh còn ít nhiều gặp khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú, nhiều bệnh nhân lại mất giấy tờ tùy thân…
Vì vậy, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục truyền thông, tư vấn, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT. Mặt khác, cần tiếp tục vận động để bảo đảm các nguồn tài chính hỗ trợ việc mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn (hiện có 40/64 tỉnh, thành phố đã tự bảo đảm từ nguồn ngân sách địa phương); hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý, cảnh báo tình trạng tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị. Còn với việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT, dự kiến trong năm 2020 sẽ cung ứng đủ cho 103.000 bệnh nhân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DIỆP CHÂU (thực hiện)