Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Vital Strategies phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng sử dụng thuốc lá đáng báo động. Mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

"Nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 vào năm 2030", bà Trần Thị Hồng Minh chỉ rõ.

Quang cảnh hội thảo. 

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới (đứng thứ 15), với khoảng hơn 15 triệu người hút thuốc trực tiếp; khoảng 33 triệu người chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động, trong đó trẻ em và phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương.

Vì vậy, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định là một công cụ quan trọng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam còn khá thấp so với khu vực và thế giới. Do đó, giá bán thuốc lá ở Việt Nam thấp so với các nước. Từ năm 2010 đến năm 2020, giá thuốc lá danh nghĩa và giá thực tế đều tăng ở tất cả các nước, ngoại trừ Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương cho biết, ở góc độ chính sách, thuế chỉ là một trong những công cụ giảm tiêu thụ thuốc lá. "Muốn đạt được nhiều mục tiêu, thì cần nhiều công cụ bổ trợ, tránh tư duy thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ vạn năng", ông Dương nhấn mạnh.

Về các giải pháp, cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá; chuyển đổi mô hình trồng cây thuốc lá sang cây trồng khác; phòng, chống chống buôn lậu thuốc lá; hạn chế hút thuốc ở nơi công cộng; cấm quảng cáo, bán thuốc lá trên internet...

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM phát biểu tại Hội thảo "Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam".

CIEM đưa ra 3 kịch bản tăng thuế. Kịch bản 1: Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng theo tỷ lệ (%) so với giá xuất xưởng của thuốc lá; mức thuế suất tăng lên 85%. Phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ chi trợ cấp đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo.

Kịch bản 2: Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng theo tỷ lệ (%) so với giá bán lẻ trước thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt; mức thuế suất tăng lên 85%. Phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ chi chăm sóc sức khỏe cho các hộ nghèo.

Kịch bản 3: Thuế tiêu thụ đặc biệt chuyển sang áp dụng theo cơ chế thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, với mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng dần theo lộ trình lên mức 40%, 50%, 60% và đạt tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá bán lẻ ở mức 70%.

Phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ chi đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo, với mức chi là 468 nghìn đồng/người/năm, tăng dần lên 900 nghìn đồng và 1,8 triệu đồng/người/năm.

CIEM nghiêng về kịch bản 3. "Điều chỉnh thuế quyết liệt, với lộ trình dài hơi, bước tăng đủ mạnh và tính thêm phương án thuế hỗn hợp khi bổ sung thuế tuyệt đối", ông Dương khuyến nghị.

HOÀNG DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.