Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ & Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam đã đạt kết quả khả quan trên sáu nhóm vấn đề lớn. Trong đó, quan trọng nhất là khung pháp lý với Luật Thủy sản được thông qua ngày 21-11-2017 với cách tiếp cận rất mới trong công tác quản lý nghề cá.

Tàu cá Việt Nam ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: TTXVN.

Nhận thấy vấn đề "thẻ vàng" IUU có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và giao thương thương mại của các sản phẩm hải sản tại thị trường châu Âu nói riêng và thị trường thế giới nói chung, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực hợp tác với các cơ quan chức năng cũng như với nhau để cùng thực hiện cam kết chống đánh bắt cá IUU trong suốt sáu tháng qua.

Việt Nam đánh giá rất cao thị trường châu Âu và mong muốn giữ xuất khẩu ổn định vào thị trường này. Cuộc họp báo tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu Brussels chứng tỏ thiện chí của Việt Nam với việc cung cấp cho các doanh nghiệp, các bạn hàng biết đến những nỗ lực của mình trong công tác quản lý ngành thủy sản, tạo sự yên tâm cho họ trong nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Trước đó vào ngày 20-4, Việt Nam đã trình lên Ủy ban châu Âu (EC) một bản báo cáo về các nỗ lực của Việt Nam nhằm tháo gỡ vấn đề "thẻ vàng", để cơ quan này đánh giá thực tế triển khai chống IUU của Việt Nam cũng như khung pháp lý có tạo được tiền đề ra đời một nền tảng cho nghề cá bền vững hay không. Theo kế hoạch, từ ngày 15 đến 25-5, EU sẽ có một đoàn kiểm tra để đánh giá trên thực địa tình hình triển khai chống IUU của Việt Nam.

TTXVN