20 phóng viên, nhà báo nữ đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc và miền Trung đã có 2 ngày tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thiết yếu để tự tin dấn thân vào mảng báo chí điều tra. Đây là thể loại báo chí luôn gắn với những mảng đề tài khó nhưng với bất kỳ cơ quan báo chí nào, các tác phẩm liên quan đến điều tra đều được đánh giá cao.
 |
Các nhà báo nữ và Ban tổ chức tại khóa tập huấn. Ảnh: Việt An |
Theo chia sẻ tại buổi tập huấn của cây viết nổi tiếng thể loại báo chí điều tra, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Dân Việt cho rằng: “Điều tra về buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) phải thực hiện trên diện rộng, tốn kém, thủ tục rườm rà. Phải tiếp cận và đối đầu với các đường dây, đối tượng tội phạm rất nguy hiểm; phải đối mặt với những quan niệm, thói quen, hủ tục và cả niềm tin sai trái về tác dụng của ĐVHD; phải đóng vai trò một người công dân có trách nhiệm trước các vấn đề nóng của xã hội để lên tiếng và xử lý vụ việc”. Vì vậy, công việc điều tra của nhà báo rất căng thẳng, thậm chí đối đầu rất khốc liệt.
Cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thực trạng của nạn buôn bán ĐVHD hiện nay, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc tổ chức WCS chương trình Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện nằm trong chuỗi cung ứng ĐVHD toàn cầu. Theo ghi nhận từ nguồn báo chí, số vụ vi phạm về ĐVHD từ 2018 đến tháng 9 năm 2022 có ít nhất 630 vụ vi phạm (cả hành chính và hình sự); ít nhất 14.775 cá thể ĐVHD và sản phẩm từ chúng như xương, da, sản phẩm chế tác - tổng khối lượng 89.561,95kg. Ít nhất 30 loài bị buôn bán phổ biến bao gồm: Tê tê, voi, hổ, tê giác, rùa và các loài khác như cầy, rắn, khỉ. Ở Việt Nam, 891 loài bị đe dọa tuyệt chủng và hơn 100 loài trong Sách đỏ Việt Nam đang ở mức nguy cấp rất cao... Cùng với nạn buôn bán, nguy cơ và tỷ lệ bệnh truyền nhiễm liên quan đến ĐVHD ngày càng tăng.
 |
PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa PTTH phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Việt An |
Trong khi đó, theo thống kê của WCS, từ năm 2019 đến nay, số bài điều tra mới chỉ chiếm khoảng 10,6% trong tổng số bài viết liên quan đến chủ đề buôn bán trái pháp luật ĐVHD.
Chia sẻ về tính bức thiết của vấn đề, PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa PTTH nhấn mạnh: Chủ đề tập huấn năm nay đặc biệt dành cho nhà báo nữ. Họ có thế mạnh riêng, đóng góp rất đặc thù và sẽ mang lại hoạt động ý nghĩa. Những thông tin góp phần tích cực về điều tra, chống lại việc buôn bán ĐVHD. Việc nhà báo nữ thu nhận kiến thức, nêu cao kỹ năng về buôn bán trái pháp luật ĐVHD sẽ góp phần thay đổi hành vi của xã hội; lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu động vật, góp phần vào việc bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và động vật hoang dã.
 |
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp báo chí điều tra. Ảnh: Việt An
|
 |
Nhà báo Hồ Vĩnh Phú chia sẻ về tác phẩm "Trả giá". Ảnh: Việt An |
 |
TS Nguyễn Nga Huyền cung cấp đến các nhà báo những thông tin hữu ích khi thực hiện báo chí điều tra. Ảnh: Việt An |
Đề cập đến những câu chuyện thực tế của báo chí điều tra, ThS Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa PTTH và TS Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Khoa PTTH chia sẻ các kỹ năng tìm kiếm thông tin, phát hiện đề tài, cách thu thập chứng cứ dữ liệu, thẩm định thông tin và điều tra, cách thể hiện tác phẩm báo chí hấp dẫn với các nhà báo nữ. Đồng thời thảo luận, thực hiện những bài tập nhóm những về những tình huống giả định; chia sẻ cách vượt qua rào cản mà nhà báo nữ gặp phải trong quá trình tác nghiệp, cách nhận biết và cách “thoát vai” khi gặp nguy hiểm trong quá trình xâm nhập điều tra...
 |
Các nữ nhà báo thảo luận những tình huống giả định. Ảnh: Việt An |
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các nữ nhà báo đã lắng nghe những câu chuyện thực tế của nhà báo Hoàng Chiên, Báo Dân Việt; nữ nhà báo Hồ Vĩnh Phú, kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam và tìm hiểu thực địa công tác bảo vệ ĐVHD và tài nguyên rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).
KHÁNH HÀ