Trong những năm qua, các tổ chức xã hội (TCXH) phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tháng 8-2019, tổng số hội trong cả nước đạt 70.491 hội, trong đó có 530 hội có phạm vị hoạt động cả nước và 69.961 hội hoạt động trong phạm vi địa phương. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, tính đến tháng 12-2019, cả nước có 4.258 tổ chức khoa học và công nghệ (VNGO), trong đó tổ chức KH&CN ngoài công lập có 2.293 đơn vị, hoạt động trong phạm vi cả nước và tại các địa phương. Trong đó có gần 1.000 tổ chức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam với nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nước và môi trường.
 |
TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA đánh giá, trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các TCXH đã có nhiều đóng góp quan trọng như: Đóng góp ý kiến cho các Luật và các dự thảo Luật: Luật bảo vệ môi trường, Luật thuế môi trường, Luật thủy sản, Luật bảo vệ phát triển rừng, luật lâm nghiệp, đề xuất xây dựng Luật kiểm soát ô nhiễm nước; đóng góp ý kiến đánh giá tác động của các chương trình, đề án, dự án liên quan đến nguồn nước và môi trường như đánh giá tác động thủy điện vừa và nhỏ được các cơ quan chức năng và xã hội ghi nhận.
 |
Toàn cảnh hội thảo. |
Không chỉ vậy, “các TCXH còn giúp cảnh báo nhà nước về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước trên bình diện quốc gia vùng lưu vực do phát triển không bền vững và quản lý bất cập; góp phần bảo vệ quyền lợi Việt Nam-quốc gia nằm ở hạ lưu các nguồn nước quốc tế (sông Mê Công, sông Hồng,…); nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ và duy trì sức khỏe các dòng sông” - TS Đào Trọng Tứ, Phó chủ tịch hội Tưới tiêu Việt Nam nhận định.
Các đại biểu đánh giá những kết quả, đóng góp của các TCXH trong lĩnh vực nước, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu là rất đáng tự hào thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm của các TCXH đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên những gì mà các TCXH làm được chưa tương xứng với tiềm năng, sức mạnh của đội ngũ trí thức của một khu vực rộng lớn đầy năng động này do còn nhiều khó khăn, vướng mắc bởi những rào cản nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của các TCXH; nguồn tài chính hạn hẹp, nguồn ngân sách nhà nước khó có khả năng tiếp cận, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài còn vướng phải khó khăn các thủ tục hành chính rườm rà trong việc phê duyệt, năng lực nội tại của chính các TCXH chưa đủ lớn.
Tin, ảnh: THÙY DUNG