Theo báo cáo thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về việc đề nghị giao chỉ tiêu KSV cao cấp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày, trong việc bổ sung KSV cao cấp tại VKSNDTC, thực hiện Nghị quyết số 82 của Quốc hội, VKSNDTC đã được bổ nhiệm 13 Kiểm sát viên VKSNDTC, còn lại 157 KSV VKSNDTC được bổ nhiệm thành KSV cao cấp. VKSNDTC đã điều động 45 KSV cao cấp từ các đơn vị thuộc VKSNDTC về VKSND cấp cao. Do vậy, số lượng KSV cao cấp tại VKSNDTC hiện còn 112 người. Do đó, VKSNDTC xin bổ sung 31 người, nâng tổng số KSV cao cấp tại VKSNDTC lên 143 người.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) có hai loại ý kiến: Đa số ý kiến không tán thành bổ sung KSV cao cấp cho VKSNDTC vì theo Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Nghị quyết số 82 thì toàn bộ chức năng, nhiệm vụ  công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, một phần lớn chức năng, nhiệm vụ công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSNDTC đã được chuyển giao cho VKSND cấp cao. Nhưng theo báo cáo, VKSNDTC mới chỉ điều động 45 KSV cao cấp từ VKSNDTC về VKSND cấp cao là chưa phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy, nhân sự phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ; khi nhiệm vụ được chuyển giao cho VKSND cấp cao thì bộ máy, nhân sự cũng phải được chuyển giao xuống tương ứng. Một số ý kiến cho rằng số lượng KSV cao cấp tại VKSND cấp cao hiện nay chủ yếu làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án… do đó để đáp ứng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ mới theo Luật tổ chức VKSND và Luật xử lý vi phạm hành chính thì cần bổ sung 16 chỉ tiêu KSV cao cấp cho VKSNDTC.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc bổ sung chỉ tiêu KSV cao cấp của ngành Kiểm sát nhân dân.

Về việc bổ sung KSV cao cấp tại VKSND cấp cao, theo Tờ trình, VKSNDTC đề nghị bổ sung 161 KSV cao cấp, nâng tổng số KSV cao cấp tại 03 VKSND cấp cao lên 206 người, trong đó có 9 KSV cao cấp là Viện trưởng, Phó Viện trưởng các Viện trực thuộc VKSND cấp cao, 197 KSV cao cấp trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm. 

Nội dung này, Thường trực UBTP nhận thấy: Việc bổ sung chỉ tiêu KSV cao cấp tại các VKSND cấp cao phải được tính toán trên cơ sở thực tiễn nhu cầu công việc cần có chức danh KSV cao cấp. Căn cứ vào số lượng công việc từ VKSNDTC chuyển xuống do 45 KSV cao cấp hiện có đảm nhiệm, đa số ý kiến đề nghị bổ sung 63 chỉ tiêu KSV cao cấp để giải quyết công việc giám đốc thẩm, tái thẩm từ 63 tỉnh, thành chuyển lên. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị bổ sung 126 chỉ tiêu vì khối lượng công việc phải giải quyết tại các VKSND cấp cao là rất lớn (hiện đang tồn hơn 16 nghìn đơn đề nghị giám đốc thẩm các loại).

Theo Tờ trình VKSNDTC đề nghị bổ sung tại mỗi VKSND cấp tỉnh một KSV cao cấp giữ chức Viện trưởng VKSND. Riêng đối với VKSND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa bàn trọng điểm, xảy ra nhiều án nên bổ sung 01 KSV cao cấp là Phó Viện trưởng, nâng tổng số KSV cao cấp tại VKSND cấp tỉnh là 65 người. Thường trực UBTP tán thành với đề nghị của VKSNDTC về việc bổ sung 65 KSV cao cấp cho VKSND cấp tỉnh, phù hợp với quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, nâng cao trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu ngành KSND ở địa phương nhằm tăng cường chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. 

Về việc bổ sung KSV cao cấp tại VKS quân sự cấp Quân khu, theo tờ trình, VKSNDTC đề nghị bổ sung 15 KSV cao cấp cho các VKS quân sự. Thường trực UBTP tán thành đề nghị của VKSNDTC về bổ sung 15 KSV cao cấp nhằm tăng cường hơn chất lượng, hiệu quả hoạt động của VKS quân sự cấp quân khu và tương đương, phù hợp quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, với Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của VKS quân sự các cấp” đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Sau khi trao đổi, thảo luận, Ủy ban TVQH đã biểu quyết nhất trí bổ sung 159 KSV cao cấp cho ngành Kiểm sát nhân dân, theo đề nghị của Viện KSNDTC và kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây mới là chỉ tiêu tạm giao ở mức tối thiểu để ngành Kiểm sát nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc bổ sung chỉ tiêu KSV cao cấp như vậy là quá chậm, bởi bộ máy tổ chức Viện KSND các cấp đã được thành lập theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.

PHÚC THẮNG