Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Cục Điện lực, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc và miền Trung, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI). Cuộc họp được ông Vũ Xuân Khu, Phó tổng giám đốc Công ty NSMO chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Khu đã cảnh báo rằng bão số 3 (Wipha) có đặc điểm tương tự như bão số 3 (Yagi) xảy ra vào năm 2024, khi toàn bộ tỉnh Quảng Ninh bị cô lập thông tin trong thời gian dài do mất điện và mất liên lạc. Ông Khu cho biết nhiều tổ máy nhiệt điện than đã gặp sự cố hoặc phải ngừng máy do gián đoạn hệ thống cấp nhiên liệu, mất điện tự dùng và sự cố lưới điện. Theo ông Khu, đây là tình huống nghiêm trọng, gây khó khăn cho cả hệ thống điều độ trung tâm và các trạm vận hành tại chỗ.
 |
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: congthuong.vn |
Trước diễn biến phức tạp của bão, các phòng ban và đơn vị của NSMO đã chủ động triển khai các bước chuẩn bị nhằm đảm bảo an toàn và sẵn sàng ứng phó. Cụ thể, các đơn vị đã lên phương án bố trí lực lượng trực ca tăng cường, đặc biệt là đối với các tổ và đội có nhiệm vụ ứng trực tại chỗ.
Đồng thời, các đơn vị cũng đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống phương án ứng phó khẩn cấp, nhằm đảm bảo các kênh thông tin liên lạc chính và dự phòng vẫn hoạt động tốt và sẵn sàng trong mọi tình huống, kể cả khi mất tín hiệu kênh truyền thống hoặc mạng Internet.
NSMO cho biết đơn vị đã chủ động lên phương án huy động nguồn điện nhằm đảm bảo khả năng tự chủ của từng miền với mức dự phòng cao, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống trong các tình huống cực đoan hoặc khi xảy ra sự cố lưới điện liên kết giữa các miền. Các đơn vị của NSMO cũng khẳng định rằng những bài học từ các cơn bão mạnh năm 2024 đã được rút kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh bão Wipha có thể đạt cấp 14–15 và gây nguy cơ mất điện diện rộng, dẫn tới tách lưới.
Ngoài ra, đội ngũ theo dõi bão đã thực hiện cập nhật bản tin dự báo thời tiết ba tiếng một lần, bắt đầu từ chiều ngày 21-7 cho đến trưa ngày 23-7 - thời điểm dự kiến bão đi qua. Những bản tin này sẽ được gửi đến các bộ phận vận hành nhằm chủ động điều chỉnh phương thức vận hành và kịp thời ứng phó. NSMO cũng cho biết hệ thống giám sát đường đi và cường độ bão đã được thiết lập để đảm bảo thông tin liên tục và chính xác.
Vì tâm bão được xác định sẽ đổ bộ khu vực miền Bắc, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc cho biết, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị để rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trạm biến áp và đường dây truyền tải, nhằm đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với sự cố và khôi phục nhanh nhất các sự cố.
Ông Vũ Xuân Khu cho rằng đây là một cơn bão lớn có thể ảnh hưởng đến toàn ngành điện, khi nhiều nhà máy điện và trạm điện có nguy cơ mất điện, vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với các phương án sẵn sàng xử lý sự cố.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.