Sáng 15-11, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động hợp tác với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.
Từ năm 2001, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) bắt đầu hợp tác về lĩnh vực đào tạo nghề với ba nước Pháp ngữ tại khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Việt Nam). Trung tâm Pháp ngữ châu Á-Thái Bình Dương là đơn vị trực tiếp phối hợp với các ban, ngành liên quan để triển khai những hoạt động cấp quốc gia và khu vực.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Với sự cộng tác tích cực của các thành viên dự án, hai thỏa ước chuyên biệt đã được ký kết trong khuôn khổ dự án hợp tác đa phương REG100, từ năm 2010 đến năm 2016, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động chuyển giao công nghệ đào tạo theo phương pháp tiếp cận năng lực (APC). Sau thời gian triển khai, dự án REG100 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam đã có hơn 300 cán bộ quản lý, giảng viên được tập huấn về công nghệ đào tạo theo APC; 5 chương trình đào tạo triển khai thí điểm tại 18 trường cho hơn 2.000 sinh viên theo học các nghề: Công nghệ ô tô, cơ khí nông nghiệp, quản lý siêu thị…; 2 bộ giáo trình nghề được cải biên từ giáo trình của Pháp và Canada…
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá các hoạt động hợp tác triển khai đồng thời tiếp thu đề xuất từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dự án và xác định các phương thức hợp tác trong tương lai. Theo đó, với tiến độ triển khai như hiện nay, dự kiến cuối năm 2019 sẽ có khoảng 3.000 giáo viên tiếp cận với công nghệ đào tạo theo phương pháp tiếp cận năng lực và các bộ chuẩn của 13 nghề sẽ được áp dụng tại các trường tham gia dự án. Để phát huy tối đa các kết quả của dự án, các đại biểu cho rằng các bên liên quan cần tiếp tục trao đổi, đưa ra đề xuất cụ thể, phù hợp với xu thế và điều kiện đặc thù của Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả những nguồn lực sẵn có cũng như sự hỗ trợ từ dự án.
Tin, ảnh: BĂNG CHÂU