Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tổng kết các đề án tại đơn vị mình một cách khẩn trương, nghiêm túc, bài bản từ cơ sở, bảo đảm thực chất, đúng tiến độ. Về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Phó thủ tướng cho hay, về cơ bản, 6 mục tiêu, 8 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung của chiến lược đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc. Theo Phó thủ tướng, dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thanh niên 2020. Đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên.
Về Đề án 567, Phó thủ tướng đánh giá, qua 6 năm thực hiện, cơ bản đề án đã được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động để cán bộ, công chức trẻ ở xã trở thành hạt nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở địa phương.
Đánh giá về Đề án 500 trí thức trẻ, Phó thủ tướng cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND 34 tỉnh triển khai theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phối hợp với các địa phương hoàn thành tuyển chọn 500 đội viên để bố trí đưa về 500 xã thuộc 163 huyện. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội viên đề án được các tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định Nhà nước, qua đó, tạo điều kiện cho các đội viên an tâm công tác.
Nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Thanh niên 2020, về Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, Phó thủ tướng yêu cầu cần đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2014-2020 để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình, đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiện nay, trong đó chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Về Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định luật. Đối với những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.
TTXVN