Theo đó, chuyên gia thống nhất thực hiện theo phương án, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc. 

Từ đây, lực lượng cứu hộ sẽ dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông. Sau đó đất xung quanh trụ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Tiếp cận được đáy trụ, lực lượng cứu hộ sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê tông lên. 

Đồng Tháp đưa ra phương án cuối cùng đưa thi thể bé trai gặp nạn lên mặt đất.

Trước đó ngày 6-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, đoàn chuyên gia Nhật Bản có mặt hiện trường nơi bé trai 10 tuổi bị rơi xuống cọc bê tông. Sau khi khảo sát, họ đưa ra phương án, kỹ thuật cứu hộ khả thi, song thiết bị chưa đầy đủ nên chưa thể thực hiện. 

Cụ thể, các chuyên gia Nhật Bản đề xuất dùng ống thép đường kính lớn hơn cọc bê tông đưa xuống độ sâu 24 m, tiếp tục lấy hết đất bên trong ra. Sau đó, cứu hộ sẽ đưa dây cáp xuống buộc vào ba đầu cọc cạnh các mối nối (24m, 12m và đầu cọc gần mặt đất nhất) kết nối thành một trục cùng với trụ thép dựng thẳng bên cạnh tạo thành lực kéo thẳng bằng kích thủy lực. 

“Hiện trường thực tế tại chỗ rất quan trọng, cần phải có đủ thiết bị, lực lượng ứng cứu mới có thể chọn phương án đạt kết quả và an toàn nhất. Phương án của chuyên gia Nhật Bản rất khả thi, song về mặt thiết bị sẽ rất khó. Vì thế phương án cuối cùng sẽ là mở rộng miệng hố hàng chục mét để nhổ cọc lên”, ông Bửu cho biết.

Tin, ảnh: THÚY AN