Khởi động vào tháng 2-2015, dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành sau 3 năm thi công (năm 2018) để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này. Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 năm thực hiện, dự án vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thời hạn hoàn thành công trình đã được Bộ GTVT gia hạn đến ngày 31-12-2020 nhưng có thể chưa phải là mốc cuối cùng.

Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, doanh nghiệp dự án cho biết, vướng mắc nổi cộm nhất của dự án hiện nay là phương án tài chính bị phá vỡ và nguồn vốn tín dụng chưa được giải ngân. Tháng 6-2018, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tín dụng vay 6.850 tỷ đồng của 4 ngân hàng để thực hiện dự án. Theo quy định của hợp đồng tín dụng, các ngân hàng tài trợ vốn đưa ra 20 điều kiện tiên quyết đối với dự án và phải hoàn thành trước ngày giải ngân vốn. Trong đó, 14 điều kiện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư BOT Trung Lương-Mỹ Thuận đến nay cơ bản được tháo gỡ. Còn lại 6 điều kiện phụ thuộc vào thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT liên quan đến việc thế chấp tài sản, lãi suất vốn vay, phần hỗ trợ của Nhà nước...

Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là đoạn tiếp nối của cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, đã đưa vào khai thác. Ảnh: Đơn vị tư vấn TEDI.

Đối với phương án tài chính của dự án BOT cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, lãi suất vốn vay được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1700 ngày 15-6-2017 là 7,82%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng 10,8%/năm (thấp hơn 2,98%/năm), do đó không giải ngân được vốn vay tín dụng vì chênh lệch lãi suất quá lớn. Đặc biệt, nguồn doanh thu thu phí tại dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương để hỗ trợ dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu đến nay cũng không thể thực hiện được do những quy định của Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018. Về tiến độ thực hiện dự án, đến nay mới triển khai thi công 19/21 gói thầu xây lắp, còn lại 2 gói thầu địa phương chưa bàn giao mặt bằng nên chưa thực hiện được.

Để tăng cường năng lực quản trị, điều hành và thực hiện dự án, Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến bổ sung nhân sự điều hành doanh nghiệp dự án (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Ban cố vấn,…) từ Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả. Đồng thời, doanh nghiệp dự án đề nghị Bộ GTVT thống nhất bổ sung Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thay thế và kế thừa toàn bộ cổ phần của nhà đầu tư không đủ khả năng để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của dự án. Bên cạnh đó, Công ty BOT Trung Lương-Mỹ Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án từ Bộ GTVT về địa phương (UBND tỉnh Tiền Giang) giống như các dự án: Bắc Giang-Lạng Sơn, Hữu Nghị-Chi Lăng, Hạ Long-Vân Đồn…

Trước đề xuất của liên danh nhà đầu tư, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã làm việc với doanh nghiệp dự án, các nhà đầu tư và đồng ý với đề xuất của liên danh nhà đầu tư, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ tiếp tục thực hiện để sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khi được các cấp thẩm quyền chấp thuận, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐBSCL và nhân dân cả nước. Trước mắt, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả sẽ cử người tham gia vào cơ cấu nhân sự của liên danh, cơ cấu lại phương án vốn và kiểm toán dự án, rà soát tổng mức đầu tư cho phù hợp với thực tế…

Công ty Đèo Cả cũng là nhà đầu tư từng giải cứu một dự án cao tốc lớn khác có quy mô và tính chất phức tạp tương tự cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là dự án cao tốc Bắc Giang-Chi Lăng (Lạng Sơn). Từ việc thực hiện thành công cao tốc Bắc Giang-Chi Lăng, tháng 2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị dài 43km vào dự án cao tốc Bắc Giang-Chi Lăng và giao UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngày 15-10-2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung đoạn Hữu Nghị-Tân Thanh vào dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và ký phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng tài trợ vốn.

MẠNH HƯNG