Cô Charlene Seco năm nay 30 tuổi, sống tại Cebu, Phillipines, làm việc tại Công ty Himachi Global. Đối với cô Charlene, Tết Việt có những điều thú vị riêng. Bánh chưng và hoa đào, hoa mai là đặc trưng nhất trong ngày Tết của người Việt. Ở Phillipines thì khác, mọi người thường chuẩn bị những món ăn đặc biệt cho dịp năm mới, nói là "đặc biệt" bởi đó là những món mà họ rất ít khi ăn vào ngày thường. Mỳ Ý, salads, phô mai tròn, giăm bông và nước sốt dứa là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết.
Cô Charlene Seco (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Cô Charlene Seco rất thích thú khi thấy rằng, ở Việt Nam người ta thường bày mâm ngũ quả đón Tết, gồm có 5 loại quả thường thấy là chuối, quýt, ớt, cam, phật thủ. Nhưng người Phillipines thì thường chọn những loại quả hình tròn như cam, nho, bưởi vì họ tin rằng, những loại quả này sẽ mang lại may mắn trong năm mới.
Cũng giống như Việt Nam, ở Phillipines, Tết là dịp để những người làm ăn sinh sống trên thành phố trở về quê sum họp. Họ nấu những món ăn ngon, chuẩn bị những thiết bị âm thanh lớn để ca hát và nhảy múa nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình và các vị khách mời của buổi tiệc trong bữa tiệc đón Giao thừa. Một số người theo tôn giáo thường cầu nguyện đến 24 giờ để mang phước lành cho năm mới. Trong tiệc đón Giao thừa, người ta sẽ trao cho nhau những món quà, những cái ôm thân thiết.
Sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh 15 năm, Ông Paul H, người Anh, 65 tuổi cho biết: 15 năm sống ở Việt Nam tôi cảm thấy sự thay đổi rõ rệt của Tết Việt qua thời gian. 15 năm trước, kỳ nghỉ Tết ngắn hơn, nhưng trong những ngày đó hầu như mọi hoạt động kinh doanh đều dừng lại. Tôi vẫn nhớ khi đó, để mua một chai bia trong những ngày Tết tôi đã rất vất vả mới tìm được một quán bar duy nhất ở Sài Gòn bán. Còn bây giờ thì nhiều cửa hàng vẫn mở cửa phục vụ trong ngày Tết nên mọi thứ đều thuận tiện hơn. Một điều nữa là giao thông ở Sài Gòn trong những ngày giáp Tết luôn luôn bận rộn và tắc đường thường xuyên xảy ra vì mọi người đều đổ ra đường vào những ngày này. Tết truyền thống của người Việt rất giống với Giáng sinh ở Anh vì Tết cũng là dịp để các gia đình sum họp, đoàn tụ. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì mọi người ăn Tết dài hơn. Ở Anh các cửa hàng chỉ đóng cửa vào ngày Giáng sinh (25-12), đến ngày hôm sau 26-12 là ngày Boxing day, ngày giảm giá lớn nhất trong năm nên mọi người đều đổ đi mua sắm, sau ngày này mọi hoạt động trở lại bình thường.
Cô Grace Adarna (Ảnh do nhân vật cung cấp) .
Cô Grace Adarna, 26 tuổi, đến từ Manila, Phillipines, hiện đang làm việc tại Rainbow Kindergarten, Việt Nam. Trong cảm nhận của mình, cô Grace luôn thấy Tết Việt rất ấm áp và thân thương. Các em bé thường được mặc những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để cùng gia đình đi chúc Tết người thân, họ hàng. Đặc biệt, đêm Giao thừa người Việt thường làm một mâm cơm để cúng tổ tiên, sau đó quây quần bên nhau nói chuyện. Ở Phillipins, Giao thừa là thời khắc thiêng liêng để mọi người cùng chờ đón những màn pháo hoa tuyệt đẹp, cùng ca hát và nhảy múa vui vẻ bên nhau, họ đón năm mới có vẻ như sống động và náo nhiệt hơn. Khi chuẩn bị đón năm mới, họ cũng dọn dẹp nhà cửa kĩ càng để loại bỏ tất cả điều xui xẻo từ năm trước và cũng để đem lại may mắn trong năm mới.
Nếu như các cô gái Việt Nam thường chọn tà áo dài để đi chơi Tết thì người Phillipins lại thường chọn những bộ quần áo có họa tiết hình chữ nhật hoặc hình tròn, chấm bi vì họ cho rằng đó là tượng trưng cho những đồng xu, cho một năm nhiều tài lộc.
Người Phillipins không có loại đồ trang trí cụ thể nào cho năm mới, một vài gia đình vẫn để lại đồ trang trí từ Giáng sinh như đèn lồng hay cây thông Noel và cũng không có phong tục mừng tuổi như ở Việt Nam.
Anh Ngô Xương Học người Đài Loan (Trung Quốc), 45 tuổi, sinh sống và làm việc tại Việt Nam 6 năm cho biết: "Do những tương đồng về văn hoá giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), nên Tết truyền thống của hai đất nước gần như giống nhau. Ví dụ như vào đêm giao thừa những thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau chào đón giao thừa và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất vào ngày đầu năm mới. Cả người Việt Nam và người Đài Loan đều có phong tục tặng lì xì cho người già và trẻ nhỏ. Chính vì thế năm nay dù không về Đài Loan ăn Tết cùng gia đình nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày Tết cổ truyền ngay tại Việt Nam".
Bài, ảnh: HUYỀN VY