Thời gian tới, theo dự báo khu vực Bắc Bộ (trong đó có Vĩnh Phúc) tiếp tục có mưa lớn, phổ biến 100 - 250mm, có nơi trên 400mm nên khả năng tiếp tục xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất… gây nguy cơ mất an toàn người và tài sản của nhân dân. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh... về phòng, chống mưa lũ gây thiệt hại về người, tài sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sở chỉ đạo các bên liên quan đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập, đê điều; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo với những nội dung vượt thẩm quyền, cần thiết để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động phối hợp triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông ứng trực, hướng dẫn giao thông tại các điểm ngầm tràn trên tuyến đường do tỉnh quản lý khi có mưa lũ, đảm bảo không để người dân, phương tiện đi qua ngầm tràn gây nguy hiểm.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước nguy cơ ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… Văn phòng chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xử lý các sự cố thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, nhất là với những vấn đề phát sinh, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.
UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; rà soát tổng thể vị trí có nguy cơ cao mất an toàn (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập úng…) có phương án ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra; có phương án sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. UBND các huyện, thành phố kịp thời thực hiện chế độ, chính sách, hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với gia đình nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài. Đồng thời linh hoạt và ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí để giải quyết ngay yêu cầu cấp bách liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo chặt chẽ hiệu quả, đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.