Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo số 2188/BC-UBTP14 ngày 19-10-2019, đối với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSNDTC), kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự tăng không nhiều so với năm 2018; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính được tòa án chấp nhận đều giảm so với năm 2018; đối với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao (51%), chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Nghị quyết số 37/2012/QH13 về “Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện KSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013” của Quốc hội.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: noichinh.vn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC cho rằng: “Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn hạn chế, tôi nghĩ, có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất là do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật rất nhiều nhưng đội ngũ giúp việc cho tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn chưa đủ số lượng, chất lượng. Thứ hai, khác với trước đây, hiện các Bộ Luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính… giao thẩm quyền tái thẩm, giám đốc thẩm chỉ TANDTC và TAND cấp cao (Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội). Các tòa án cấp tỉnh không có thẩm quyền (trước đây thì có thẩm quyền), nên số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dồn vào TANDTC và các TAND cấp cao. Thứ ba, cơ cấu tổ chức của tòa cấp cao theo luật hiện tại cũng có những vấn đề thực tiễn chưa ổn, thể hiện, các đơn vị chuyên môn để giúp cho Chánh án tòa án cấp cao xem xét đơn là các phòng giám đốc thẩm độc lập không nằm trong các tòa chuyên trách. Trong khi, để đánh giá tính hợp pháp của một bản án thì thẩm phán của các tòa chuyên trách rất chuyên sâu, cho nên, không tranh thủ được sự chuyên sâu của các thẩm phán tòa chuyên trách”.

Ngoài ra, ý kiến của các đại biểu, luật sư tại tọa đàm cũng cho rằng, một thực tiễn là chất lượng xét xử của tòa án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều vấn đề chưa ổn, chất lượng chưa ổn thì lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ cao.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích: “Giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều có nguyên nhân là: Nếu sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì giám đốc thẩm sẽ giảm xuống; phúc thẩm sinh ra là để sửa chữa sơ thẩm. Tòa án tỉnh hiện nay phúc thẩm rất nhiều, nếu án phúc thẩm làm tốt sẽ không lên đến giám đốc thẩm”.

Đại biểu đại diện cho Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho rằng, án sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm trước đó chưa thấu tình đạt lý, chất lượng không cao, người ta không phục thì người ta còn tiếp tục kiến nghị. Khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người dân tiếp tục phải khiếu nại. Bản thân các tòa án, viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị, người dân phát hiện ra những bất cập, sai sót của các tòa án cấp dưới đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, kể cả giám đốc thẩm.

Trên thực tiễn, có không ít những bản án và quyết định của tòa án mắc sai lầm trong việc áp dụng pháp luật và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khiến dư luận nhiều phen “nổi sóng”. Như vụ án ở Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã có những sai lầm hết sức “sơ đẳng” trong bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao. Cụ thể, đó là việc sử dụng các thẩm định giá về tài sản đã hết hiệu lực rồi làm cơ sở để phân chia tài sản cho vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên. Đó là điều không thể chấp nhận được. Tòa án sơ thẩm cũng sử dụng kết quả đó, tòa án phúc thẩm cũng giữ nguyên, bác kháng cáo.

Ngoài ra, Luật sư Phạm Công Hùng cũng phân tích thêm về vụ việc: “Luật Hôn nhân gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật mới chia bằng giá trị. Trong trường hợp này, các bên đương sự là thành viên công ty chỉ cần tòa án áp dụng đúng quy định pháp luật, chia hiện vật (là cổ phần) cho các bên đương sự thì vụ việc sẽ rất đơn giản. Mặt khác, vợ chồng họ đều là những doanh nhân thành đạt và có kinh nghiệm quản trị công ty lâu năm nên họ sẽ có điều kiện để quản trị công ty sau ly hôn. Nhưng tòa án lại chọn cách chia bằng giá trị với những phương pháp định giá không khoa học, không đúng pháp luật, đã tước đi quyền được bảo vệ của thành viên công ty đối với một bên đương sự trước pháp luật”. Cuối cùng, sau khi Viện Kiểm sát kháng nghị chỉ ra thì ai cũng đặt câu hỏi tại sao lại khó hiểu như vậy.

Số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngành tòa án nhận được năm 2017 là hơn 18.000 vụ, năm 2018 hơn 15.000 vụ, năm 2019 hơn 19.000 vụ.

Bản chất của kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là mở ra môi trường tố tụng đủ để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây cũng là hy vọng, cơ hội cuối cùng của nhân dân, bởi vậy việc giải quyết công tác giám đốc thẩm, tái thẩm cần phải được đẩy nhanh, đẩy mạnh, thực hiện minh bạch, đảm bảo công lý và lẽ phải cho nhân dân.

GIANG TRẦN