Hiện nay, có một số tấm kính ở lối lên xuống trên vỉa hè nhà ga bị vỡ, nguyên nhân do trong quá trình thi công dẫn đến va đập; một số vị trí khoan liên kết chân cột hệ thống mái che chưa chắc chắn, hạng mục này đang trong quá trình thi công. Tại dự án còn có hiện tượng phá hoại trong quá trình hoàn thiện, Ban QLDA đường sắt đã giao tổng thầu tăng cường đội ngũ bảo vệ. Ban QLDA đường sắt cũng khẳng định, tiến độ tuyến đường sắt này sẽ khai thác và vận hành thương mại vào tháng 4-2019. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án hoàn thành còn nhiều việc phải làm như thủ tục nghiệm thu đánh giá an toàn hệ thống, đăng kiểm thiết bị. Đây là vấn đề mới và phức tạp vì Việt Nam chưa có đầy đủ quy chuẩn.

Đối với dự án xây dựng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ 4 phương án gồm: Giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang khai thác cảng làm chủ đầu tư dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; thành lập tổ chức kinh tế và đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho ACV thực hiện dự án nhà ga T3. Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, giao cho ACV thực hiện dự án này trong khi có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm là để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong khai thác Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đây cũng là quy định và thông lệ quốc tế. ACV cũng có năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý khai thác cảng hàng không.

MẠNH HƯNG