Theo đó, thời gian thu phí diễn ra trong giờ cao điểm từ 6 đến 9 giờ và 15 đến 19 giờ hằng ngày. Mức thu phí từ 40.000 đồng đối với ô tô 4-7 chỗ và 70.000 đồng cho xe tải và xe khách lưu thông vào khu vực trung tâm, không thu phí xe đi ra.

Đối với xe buýt và các loại xe ưu tiên quy định trong thu phí sử dụng đường bộ (xe cứu hỏa, xe cứu thương ...) sẽ được miễn phí. Xe taxi có đăng ký tại thành phố sẽ bị thu 20.000 đồng.

Mức thu phí từ 40.000 đồng đối với ô tô 4-7 chỗ và 70.000 đồng cho xe tải và xe khách lưu thông vào khu vực trung tâm, không thu phí xe đi ra. Ảnh minh họa: TTXVN.

Các cổng thu phí sẽ sử dụng mặt đường, hè phố hiện hữu, không phải giải tỏa mặt bằng. Giải pháp kết nối thanh toán với hệ thống thu phí tự động không dừng VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thực hiện thu phí các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí.

Dự án này được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 10 năm, tổng kinh phí 2.274 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ban đầu khoảng 478 tỷ đồng và tổng chi phí vận hành trong 10 năm gần 1.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp vốn để thực hiện dự án theo hợp đồng.

Từ nay đến cuối năm 2021, nhà đầu tư sẽ triển khai các đầu việc như đề xuất đầu tư dự án, xin phê duyệt đề xuất.

Đến đầu năm 2022, dự án sẽ được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xin chủ trương đầu tư, nghiên cứu khả thi dự án... Sau khi duyệt dự án PPP, thành phố sẽ công bố và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh có báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh về kiến nghị giao Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu UBND TP xem xét, quyết định; đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất thực hiện lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố.

QUỐC HOÀN