Tham dự buổi tập huấn có ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng nhiều nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 1 triệu lao động làm việc trên biển. Ước tính đến năm 2020, khoảng 35-40% dân số toàn quốc sẽ sinh sống tại các vùng biển, hải đảo. Cuộc sống người dân ở các vùng biển, đảo và ven biển có đặc thù là bị chia cắt với đất liền; nếu cơ sở y tế không đủ trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị, bệnh nhân sẽ phải chuyển vào đất liền, đi lại rất vất vả, tốn kém, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Việc tăng cường mạng lưới khám, chữa bệnh biển đảo nhằm mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho người dân.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi tập huấn. 
Tại buổi tập huấn, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã trình bày Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt và thực hiện từ năm 2013.

“Đề án nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc tại vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo Đề án, việc phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh biển đảo từ nay đến năm 2020 được chú trọng. Bộ Y tế tổ chức, đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho 6 khoa Hồi sức cấp cứu thành Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedecine) đặt tại 6 bệnh viện ven biển gồm Viện Y học biển - TP Hải Phòng, Bệnh viện Quân khu 4 - Nghệ An, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 87 - Nha Trang, Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt Nga (Vietsopetro) - TP Vũng Tàu, Bệnh viện Quân dân y 78 - Phú Quốc.

Đối với các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương ven biển, tùy theo điều kiện có thể đầu tư trang thiết bị phục vụ việc cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố.

Có thể nói, với gần một nửa số tỉnh, thành phố có biển, Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để trở thành một quốc gia mạnh về biển. Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã, đang và sẽ bảo đảm người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe một cách hiệu quả hơn, chất lượng hơn.

Tin, ảnh: LA DUY