Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau đánh giá chi tiết, khách quan tình hình thực tế và những thách thức của đào tạo nghề tại Tây Nguyên và các tỉnh lân cận; tìm ra các giải pháp, đề xuất các kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

 Quang cảnh buổi hội thảo
Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến tháng 12-2015, trên địa bàn Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 108 cơ sở đào tạo nghề gồm: 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp, 90 trung tâm dạy nghề. Công tác dạy nghề từng bước chuyển từ hướng cung sang cầu, tạo nên sự chuyển biến tích cực trog chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo của các địa phương trong vùng. Nhiều mô hình dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp có hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Cụm, khu công nghiệp trên địa bàn chưa phát triển; chính sách đối với giáo viên tại các cơ sở đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; nhiều trung tâm dạy nghề không có giáo viên cơ hữu nên công tác triển khai đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình không thực hiện được; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu; nhận thức của người dân vùng Tây Nguyên về chính sách đào tạo nghề còn hạn chế…

Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên vùng Tây Nguyên như: Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp trường dân tộc nội trú, khoa dân tộc nội trú ở trong từng tỉnh; tập trung đầu tư đồng bộ cho 5 trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực ASEAN, cấp độ quốc gia; tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề, ký túc xá, nhà ăn, giáo dục thể chất; bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, xây dựng chương trình, giáo trình, bổ sung ngành nghề đào tạo đối với trường đào tạo dân tộc nội trú; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách đối với học sinh học nghề như chính sách miễn giảm học phí; ban hành cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ có tay nghề cao, chuyên gia tại các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG