Ông Phạm Văn Ngư.

Được biết, ông bắt đầu hút thuốc lá từ khi còn rất trẻ, những năm đó ông thường dùng thuốc lá cuộn mua ở Lạng Sơn. “Ngày đó cứ mua từng cuộn về hút, mỗi cuộn có mười điếu. Mỗi ngày tôi hút chắc cũng phải hơn một cuộn”

Sau này, khi thuốc lá được chuyển dần sang dạng bao một thì một ngày ước chừng ông hút khoảng hơn 1 bao/ngày, rồi tăng lên 2 bao/ngày. Tính mỗi tháng, ông cũng phải chi khoảng 600.000 đồng cho việc mua thuốc lá- một con số không hề nhỏ đối với những người dân sống ở nông thôn.

 Đã nhiều lần ông định bỏ thuốc, nhưng rất khó bởi ông phải tiếp xúc với khói thuốc xung quanh cũng như khi căng thẳng trong công việc…ông lại tìm đến thuốc lá rồi tái nghiện. Ông cho biết, nghe vợ con nói nhiều nên đã thử bỏ vài lần. Nhưng ngồi buồn mồm lại theo thói quen lôi thuốc ra hút. Và sau mỗi lần tái nghiện thì ông Ngư lại hút nhiều hơn so với trước. Về sức khỏe, ở những lần đi khám tổng quát ở bệnh viện, các bác sĩ luôn cảnh báo trước tình trạng cuống phổi ông đậm hơn từng ngày.

Ông chia sẻ lý do khiến ông cai thuốc lá và đã cai thành công: “Thật ra bản thân tôi cũng biết hút thuốc lá có hại, nhưng mà chẳng có gì thúc đẩy quyết tâm cai đến cùng được. Cho đến khi nhìn thấy mấy đứa cháu ho, rồi nhăn mặt khi thấy ông hút thuốc, thì tôi biết rằng mình cần phải dứt ra hẳn khỏi cái thứ độc hại này”. Động lực là vậy, nhưng bí quyết cai thuốc, ông cho hay: “Tôi thường nhai kẹo cao su và ăn quế. Bởi tôi cũng được mách rằng, ăn kẹo cao su giúp cai thuốc và áp dụng theo, bên cạnh đó tôi còn ăn cả quế cho tê lưỡi nữa. Lưỡi bị tê là hết thèm ngay”

Đối với ông, sức khỏe của bản thân cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn đó là tương lai con cháu mình, ông không muốn chỉ vì thói quen xấu của bản thân mà  làm ảnh hưởng đến những người thân yêu.

Được biết, sau khi cai thuốc lá thành công, sức khỏe cũng như tinh thần của ông Ngư tốt hơn rất nhiều. Ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên giúp thân hình ông không còn gầy gò như trước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ngoài nicotin trong thuốc lá còn chứa 7.000 hóa chất khác mà trong đó có 69 chất có khả năng gây ung thư.  Nhiều cuộc khảo sát cho thấy có trên 90 % bệnh nhân được xác định mắc bệnh ung thư phổi có liên quan đến thói quen hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 15 đến 30 lần so với người không hút thuốc, thậm chí cho dù thỉnh thoảng mới hút hoặc chỉ hút một vài điếu thuốc trong ngày cũng làm tăng khả năng mắc bệnh lên gấp 2 đến 3 lần.

Người bị hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ mắc các bệnh tật nêu trên cao như người hút thuốc chủ động. Do đó, việc cai thuốc không phải chỉ vì sức khỏe của bản thân mà còn để người thân, đồng nghiệp và cộng đồng không bị ảnh hưởng.

Bài, ảnh: MINH NGUYỆT