Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động-người có công và xã hội năm 2019 diễn ra sáng 18-1, tại Hà Nội. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị.

Trong năm 2018, lĩnh vực lao động-người có công và xã hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người, đạt 103% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong nước đạt 1,5 triệu người, hơn 140.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cao nhất từ trước tới nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xác lập kỷ lục mới về xuất khẩu lao động. Ngành đã triển khai các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, phối hợp với các địa phương xử lý các tranh chấp lao động, không để đình công kéo dài ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công, ước đến cuối năm 2018, có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Năm 2018, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, có tiến bộ so với năm 2017; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ đã đề ra trong Chương trình công tác. Trong đó, đã tham mưu ban hành quyết sách quan trọng về bảo hiểm xã hội, tiền lương; hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch của đất nước.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những thành tựu vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc kết nối cung - cầu trên thị trường lao động lao động tại một số địa phương còn hạn chế; thông tin thị trường lao động còn thiếu và bị chia cắt; hệ thống các chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù chưa được thiết kế đầy đủ. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của thị trường; việc thực hiện tự chủ, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững. Vẫn còn xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận, để hưởng chế độ, trục lợi chính sách. Các vụ vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; đặc biệt một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường gây bức xúc dư luận và xã hội. Tình hình tội phạm ma túy và nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn...

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cần phải được khắc phục triệt để trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Tại hội nghị, ngành LĐ-TB&XH chỉ rõ những hạn chế cần giải quyết trong năm 2019 như kết nối cung cầu lao động chưa hiệu quả, thiếu hệ thống chính sách giải quyết việc làm. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Các vụ vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại diễn biến phức tạp… Năm 2019, ngành phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, như: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60- 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Tin, ảnh: THU HƯƠNG