Tại TP Nha Trang nhiều tuyến đường bị ngập, có nơi từ 0,5 đến 1m, gây ách tắc giao thông. Huyện Diên Khánh có 18/18 xã hầu hết đều bị ngập, 6/18 xã ngập từ 0,5m trở lên. Quốc lộ 1A từ phường Cam Nghĩa đến phường Cam Phú ngập từ 0,4 đến 0,6m; huyện Khánh Vĩnh có 5 cầu tràn ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m; huyện Khánh Sơn có 9 điểm tràn ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m.

Nhiều căn ở Nha Trang tan hoang sau trận sạt lở núi sáng 18-11. Ảnh: vnexpress.net.

Tỉnh Ninh Thuận, một số nơi thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m; một số tuyến đường thuộc các xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Dinh, Nhị Hà, Phước Minh, huyện Thuận Nam bị ngập sâu từ 0,3 đến 0,5m. Hiện các tuyến đường trên nước đã rút, giao thông đi lại bình thường; riêng đoạn đường từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh bị ách tắt một số đoạn do bùn cát tràn qua đường.

Thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện của Thủ tường Chính phủ và Công điện số 57/CĐ-TW ngày 18-11-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN) về ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt do mưa lũ.

NGUYỄN KIỂM