Nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh bị ngập sâu gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Tại huyện miền núi Hương Khê, từ chiều 9-10, Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả lũ, lúc cao điểm lên đến gần 1.271m3/s. Hiện, một số xã ở Hương Khê như: Phương Điền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy… đã bị chia cắt cục bộ. 

Mưa lớn liên tục cũng khiến mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các hồ chứa, cánh đồng  trên địa bàn hai huyện miền núi Hương Sơn và Vũ Quang dâng nhanh. Tại các xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên (huyện Vũ Quang) nhiều khu dân cư, các tuyến đường giao thông đã bị cô lập do nước ngập. Ngập lụt cũng xảy ra ở các xã: Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng (huyện Hương Sơn).

leftcenterrightdel
Một số hộ dân ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã bị ngập cục bộ. 

Tại các địa phương khác như: huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Can Lộc… đều xảy ra tình trạng úng ngập ở một số địa bàn. Đặc biệt, tại huyện Can Lộc, đập Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh, Can Lộc) với dung tích gần 3.000m3 đã bị vỡ gây ngập úng nặng cho nhiều thôn trên địa bàn. 

* Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), tổng lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9-10 đến 7 giờ  ngày 10-10 là trên 200mm, tại các địa phương khác như Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Giàng... đều trên 150mm. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường biến thành sông. 

leftcenterrightdel
Mưa lớn kéo dài từ tối 9 đến sáng 10-10 khiến các tuyến phố Dương Đình Nghệ, Phan Chu Trinh, Tô Vĩnh Diện, Triệu Quốc Đạt , Nguyễn Trường Tộ... của TP Thanh Hóa bị ngập nặng. 

Tại các tuyến phố lớn như: Trần Phú, Ngã tư Bưu điện tỉnh, Triệu Quốc Đạt, Tô Vĩnh Diện, Trường Thi, Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông... hàng loạt phương tiện cơ giới chết máy dọc đường, khiến giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhất là vào đầu giờ đi làm buổi sáng. Tại một số tuyến đường khác, nước tràn vào cả nhà dân, có nơi cao quá nửa mét khiến các phương tiện không thể di chuyển. Tại các ngã tư lớn như ngã tư Bưu điện, ngã tư Nguyễn Trãi - Dương Đình Nghệ, ngã tư Phạm Chu Trinh - ga Thanh Hóa xảy ra tình trạng hàng đoàn xe dài xếp hàng đợi thông tuyến. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Thanh Hóa đã phải huy động các xe cứu hộ để chuyên chở các xe ô tô con bị chết máy dọc đường, nhằm tránh tình trạng ùn tắc. 

Đến trưa 10-10, tại thành phố Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục có mưa lớn.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 9 giờ, ngày 10-10, vị trí tâm  áp thấp nhiệt đới khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. 

Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị (bao gồm các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-4m, ven biển các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Các tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Trị có gió giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Vào lúc 18 giờ ngày 9-10-2017, do áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn làm nước dâng cao và chảy xiết trên khu vực đường Trường Chinh, thành phố Đông Hà, Quảng Trị đã cuốn mất tích một học sinh khi đi qua. Nạn nhân là em Lê Văn Sang, học sinh lớp 10b2, Trường Trung học Phổ thông Lê Lợi; con của ông Lê Nhật Long và bà Trần Thị Thái ở khu phố 9, phường 5, thành phố Đông Hà. Trong lúc em Lê Văn Sang cùng bạn đi xe máy qua khu vực cống đường Trường Chinh đã bị nước mưa đổ về dâng tràn thì bị cuốn trôi cả người và xe. Hiện lực lượng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cùng với dân quân tự vệ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Lực lượng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cùng với dân quân tự vệ tìm kiếm người dân bị lũ cuốn. Ảnh: VIẾT LINH

Trên đất liền, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Nam Sơn La có mưa vừa đến mưa to. 

Khu vực Hà Nội từ sáng ngày 10-10, đến hết ngày 11-10 tiếp tục có mưa vừa đến mưa to (50-100mm). 

Từ ngày 10-10 đến ngày 11-10, trên lưu vực sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và thượng lưu sông Thái Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở mức dưới báo động 1, riêng đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng xấp xỉ mức báo động 1. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đề phòng ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn có khả năng xảy ra như: Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, thành phố  Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.

*Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to kéo dài đã làm ngập sâu nhiều tuyến đường tại thành phố Nam Định, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. 

Đường Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng là một trong những tuyến đường ngập nặng nhất của thành phố Nam Định. Nhiều đoạn ngập sâu gần 1m khiến cho sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều phương tiện đi qua đây đã bị chết máy. Các cửa hàng kinh doanh buôn bán nằm trên tuyến đường này phải đóng cửa chờ nước rút. 

Bà Trần Thị Nhung ở phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định cho biết: Mưa lớn liên tục kéo dài nên từ đêm 9-10 nước đã dâng cao tràn vào nhà, đến trưa 10-10 nước vẫn chưa rút. Gia đình đã kê đồ đạc lên cao 0,5m mà vẫn bị ướt, phải di chuyển lên tầng 2. Nhiều năm nay, cứ trời mưa to là tôi không thể không ngủ được vì sợ nước ngập vào nhà gây chập điện nguy hiểm cho mọi người. 

* Ngày 10-10, triều cường dâng cao làm vỡ một đoạn bờ bao chống lũ dài gần 20m, thuộc khu vực 3, Cồn Khương, phường Cái Khế, TP Cần Thơ khiến hàng chục hộ dân bị mất trắng hoa màu, nhà cửa ngập trong biển nước.

leftcenterrightdel
Vỡ bờ bao nước dâng cao hơn 1m làm nhiều ngôi nhà bị ngập sâu. 
leftcenterrightdel
Người dân di dời đồ đạc sang nhà người quen để nhờ.   Ảnh: THÚY AN

 

Sau khi nhận được thông tin, quận Ninh Kiều đã huy động lực lượng lực lượng tại chỗ gần 50 người hỗ trợ bà con khắc phục đoạn bờ bao bị vỡ bằng cách tấn cừ tràm và bao cát. Đến thời điểm hiện tại, tuy đã khắc phục xong sự cố nhưng toàn bộ khu vực 3, Cồn Khương bị nhấn chìm trong biển nước.

Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn chưa thống kê được tổng số thiệt hại. Tuy nhiên, trước mắt địa phương sẽ huy động lực lượng bộ đội xuống giúp dân khắc phục hậu quả vỡ đoạn bờ bao ngăn triều tiếp đó quận sẽ lên phương án bơm chống úng để cứu các vườn cây ăn trái nhằm giảm nhẹ thiệt hại cho bà con. 

 

Nhóm PV-CTV-TTXVN