QĐND – Ngày 19-8, bão số 3 đã đi vào khu vực Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 ở huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; ở huyện Cô Tô, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11. Ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9; các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm, có nơi 200mm. Ở Vịnh Bắc Bộ, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động mạnh. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-3,5m.

Chiều 19-8, sau khi đi vào khu vực Hà Nội, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Khu vực Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7 và mưa 50-100mm. Đến 23 giờ ngày 19-8, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo-Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 19-8 đến hết ngày 20-8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng (50-100mm), riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa rất to (100-200mm).

Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, các sông: Hoàng Long, Kỳ Cùng, Bằng, Đáy, Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên các sông: Cầu, Thương, Bằng, Đáy, Đào, Thái Bình ở mức báo động I; các sông: Thao, Lục Nam, Kỳ Cùng, Hoàng Long ở mức báo động II; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I-II; sông Cả, sông La dưới mức báo động I.

Trung tâm đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An; ngập úng ở Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. (QUỲNH DƯƠNG)

Thủ tướng chỉ đạo cấp bách phòng, chống lũ      

Ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1494/CĐ-TTg về việc chủ động đối phó với mưa, lũ sau bão số 3 năm 2016. Công điện nêu rõ:

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó với mưa, lũ sau bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1478/CĐ-TTg ngày 18-8-2016, tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách sau:

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An: Bảo đảm thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa, lũ để nhân dân biết chủ động phòng, tránh. Dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập úng với phương châm triển khai quyết liệt, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân. Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; có phương án bảo vệ hỗ trợ người dân, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn gây ngập úng, cô lập.

Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc Bộ: Chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan có phương án cụ thể bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, an toàn hệ thống lưới điện, tập trung khắc phục ngay các sự cố bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhất là nguồn điện phục vụ bơm tiêu úng chống ngập.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng-Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với mưa, lũ khi có yêu cầu.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền. (HƯNG HÀ)

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giúp dân khắc phục hậu quả bão

Để tăng tính chủ động trong phòng, chống cơn bão số 3, ngày 18-8, Bộ Quốc phòng đã có Công điện số 99/TK do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký, yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát phương án ứng phó, đặc biệt là các trọng điểm nguy cơ xảy ra sự cố trên địa bàn; có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, kho tàng, doanh trại. Chủ động tham mưu, giúp chính quyền địa phương, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trước, trong và sau bão. Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng cục Chính trị chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt.

Các cơ quan, đơn vị khẩn trương, triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo về Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu (qua Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng và Cục Cứu hộ-Cứu nạn) để Bộ Quốc phòng theo dõi, chỉ đạo. (TIẾN ĐẠT)

Bơm tiêu nước chống úng tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ

Chiều 19-8, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống bão, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn và di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao ở bến tàu khu vực sông Lạch Càn, xã Kim Hải và đê Bình Minh III. Nhấn mạnh những diễn biến bất thường của cơn bão và mưa sau bão, Phó thủ tướng đề nghị các lực lượng vũ trang, công an, dân quân tự vệ, thanh niên ở những khu vực này cần chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống. (THÙY DUNG)

Ngày 19-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3. Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, hệ thống thủy lợi ở khu vực Đồng bằng sông Hồng đã tiêu nước đệm, các tỉnh ven biển đã mở hết các cống và đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi có lượng mưa lớn, các tỉnh không được chủ quan, phải tập trung vận hành an toàn hồ đập.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu: Cần di dời ngay những người dân còn ở trong căn nhà tạm, yếu không bảo đảm an toàn tại phía bắc Thanh Hóa, tránh chủ quan; các địa phương vùng núi từ Nghệ An trở ra khẩn trương di dời người dân tại các vùng có nguy cơ sạt trượt cao. Về sản xuất nông nghiệp, cần tiếp tục bơm tiêu nước đệm phòng chống úng cho lúa, đặc biệt lưu ý tại 4 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. (HƯNG THÁI)

Quảng Ninh di dời hơn 4.700 người dân đến nơi an toàn

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến 17 giờ ngày 19-8, bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm 11 nhà bị sập, 6 nhà bị tốc mái, 22 cột điện và cột viễn thông bị đổ hoặc bị nghiêng, 1 trạm biến áp bị đổ khiến nhiều nơi bị mất điện cục bộ. Bão số 3 làm sạt lở gần 200m kênh mương, ngập lụt hơn 50ha lúa và hoa màu, hàng nghìn cây xanh bị đổ, gãy.

Trước và trong bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức di dời gần 2.000 hộ dân với hơn 4.700 nhân khẩu trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Hải Hà di dời tới hơn 1.000 hộ. Các huyện phía đông của tỉnh như: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… đã xuất hiện lũ trên các sông, suối, các ngầm tràn đều bị ngập nước. Chính quyền địa phương đã bố trí người canh gác và dựng rào chắn cấm người và các phương tiện lưu thông qua ngầm, suối. (VĂN ĐỨC)

Hải Dương có nhiều sự cố đê

Mưa, lũ do bão số 3 đã gây ra nhiều sự cố tại các công trình đê điều của tỉnh Hải Dương. Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy, huyện Nam Sách xuất hiện một số cung sạt. Đáng chú ý, từ vị trí K16+070 đến K16+074 đê hữu sông Kinh Thầy xuất hiện hiện tượng xói mái đê phía sông: Chiều rộng hố xói (theo đê) 4m; chiều dài hố xói (theo mái đê) 3,9m, sâu 1,35m. Hố xói sâu vào mặt đê 0,3m...

Trên tuyến đê tả sông Luộc, huyện Tứ Kỳ khu vực trước cửa Âu Thuyền cống An Thổ (cửa cống An Thổ) tiếp tục bị sạt lở, cụ thể: Từ vị trí K47+639 đến K47+729 đê tả sông Luộc, chiều dài cung sạt hơn 25m, tiếp tục sạt vào chân đê, hiện tại điểm sạt gần nhất cách chân đê 2-3m. Sự cố sạt bờ vùng sông Đông Mai tại vị trí Đồng Ngoài, chiều dài cung sạt từ 25-30m, sạt sâu vào sát chân vùng từ 1,5-2m...

Do mưa và gió lớn đã khiến một số trạm bơm ở các huyện Kim Thành, Ninh Giang, Kinh Môn, Thanh Hà, Gia Lộc gặp sự cố. Hiện Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tổ chức kiểm tra và khẩn trương khắc phục các sự cố; phân công lực lượng ứng trực 24/24 với phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời xử lý các điểm xung yếu trên các tuyến đê; lập phương án, sẵn sàng di chuyển người dân đến nơi an toàn để tránh lũ và sạt lở đất. (MINH NGA)

Lai Châu đề cao cảnh giác với mưa lũ

Ngày 19-8, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An đã điện khẩn, yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các cơ quan, ban ngành trong tỉnh phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến, đánh giá cụ thể nguy cơ, mức độ ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với địa phương để kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở và người dân triển khai các biện pháp chủ động phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, không để bị động bất ngờ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo, căn cứ vào tình hình diễn biến của mưa lũ cụ thể ở từng khu vực, chính quyền địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn và chủ động, kiên quyết sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ ngập sâu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. (NGUYỄN HẢI)

* Ngày 19-8, Quân khu 1 tổ chức đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 tại Sư đoàn 3, Bộ CHQS các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn. Tại các đơn vị, đoàn kiểm tra đã quán triệt các công văn, chỉ thị của cấp trên về ứng phó với cơn bão số 3 đối với cán bộ, chiến sĩ; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch, phương pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của đơn vị; kiểm tra lực lượng, phương tiện, trang bị trực cứu hộ, cứu nạn; dự kiến các khu vực trọng điểm ảnh hưởng của cơn bão và các phương án xử trí. (HẢI BIÊN)