Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông, kênh rạch dày đặc, kéo dài hơn 80.000km, nối với biển thông qua hơn 140 cửa sông, trong đó, có khoảng 124 cửa sông và 42.000km sông, kênh có khả năng vận tải. Cùng với đó là 3.260km bờ biển, hàng trăm ki-lô-mét đường từ đất liền ra đảo, nối các đảo trong vùng nội thủy. Các tuyến đường thủy nội địa nối liền các thành phố lớn, các thị xã, giữa miền ngược và miền xuôi, giữa nước ta và nhiều nước trong khu vực. Do vậy, có thể nói Việt Nam có tiềm năng lợi thế rất lớn trong việc phát triển giao thông vận tải thủy nội địa.
 |
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm. |
Vận tải thủy là phương thức có giá thành rẻ, vận chuyển được khối lượng lớn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, giá thành luân chuyển hàng hóa bằng ô tô cao gấp 9 lần so với vận tải thủy nội địa, trong khi lượng CO2 thải ra môi trường cao gấp 1,57 lần. Tuy nhiên, đánh giá của các đại biểu tham gia tọa đàm cho thấy, phương thức vận tải này tại nước ta đang bị bỏ ngỏ.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải), Việt Nam có đầy đủ 5 loại hình vận tải: Đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Các loại hình vận tải phải có sự gắn kết hài hòa để hỗ trợ nhau, mặt nào mạnh thì phát huy, mặt nào hạn chế thì giảm đi. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng đầu tư cho đường thủy nội địa của nước ta chỉ chiếm 2,2% trong tổng mức đầu tư, tuy nhiên lại chiếm tỷ lệ vận tải lớn. Vận tải đường thủy nội địa rất thích hợp với hàng hóa khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng và chi phí vận tải thấp. Đơn cử như từ tháng 7-2014 đến tháng 10-2017, sau 3 năm hoạt động tuyến vận tải sông pha biển đã đạt kết quả 47 triệu tấn hàng hóa. Thời gian vận chuyển của tuyến ven biển dài hơn 1,5-3 lần so với đường bộ nhưng chi phí chỉ bằng 1/2 - 1/3. Do đó, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần giảm tải cho đường bộ, thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ, tạo sự kết nối đường bộ, hàng hải, đường sắt với lĩnh vực khác.
Hiện nay, vận tải đường thủy nội địa đang chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa lưu chuyển trong nước, tốc độ tăng trưởng trung bình của lĩnh vực này khoảng 8-12%/năm. Trong thời gian qua, sự đầu tư chưa đồng bộ giữa các loại hình vận tải dẫn đến đường bộ quá tải, gây ra nhiều hệ lụy. Chiến lược trong giai đoạn tới của ngành giao thông vận tải là phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn như đường thủy nhằm hạ giá thành vận tải, nâng cao độ an toàn.
Tin, ảnh: MẠNH HƯNG