Theo đó, 16 đội của 16 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã được chia thành 4 nhóm dự thi cùng tranh tài ở các nội dung: phần thi giới thiệu và lý thuyết, phần thi xử lý tình huống và phần thi tiểu phẩm.
Ban tổ chức trao cờ cho 16 đội tham gia dự thi.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở giúp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột trong cộng đồng dân cư ngay tại địa bàn, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời giảm bớt các vụ việc phải giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho Nhà nước và nhân dân. Hoạt động hòa giải ở cơ sở còn góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải cơ sở, đặt nền tảng pháp lý cho hoạt động này ở cơ sở. Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật, việc củng cố, kiện toàn mạng lưới hòa giải và xây dựng đội ngũ hòa giải viên đã được chú trọng, chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng lên.
Hội thi lần này là cơ hội tốt để các đội thi, các hòa giải viên được giao lưu, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn, đồng thời phát hiện, biểu dương và tôn vinh những hòa giải viên điển hình xuất sắc.
Bên cạnh đó, những câu chuyện, bài học sinh động gắn với đời sống hằng ngày mà 16 đội mang đến cuộc thi sẽ trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các quy định pháp luật một cách sâu rộng, đơn giản và thiết thực hơn.
Tin, ảnh: THÀNH NAM