Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền TP Hồ Chí Minh khẳng định những kết quả đáng chú ý thời gian qua trong công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh những nội dung làm được, công tác nhân quyền trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: Nhận thức về công tác nhân quyền của một bộ phận cán bộ chưa được sâu sắc, thống nhất, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đôi lúc chưa kịp thời, chưa phản ánh đầy đủ thông tin, tình hình dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp ban hành và triển khai các giải pháp góp phần nâng cao kết quả công tác nhân quyền của thành phố. 

Việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền là cần thiết nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề ra các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy và đảm bảo quyền con người trên địa bàn thành phố. 

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ tại Hội nghị. 

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo Nhân quyền TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thành tựu bảo đảm quyền con người tại cấp cơ sở, tăng cường thông tin đối ngoại về vai trò tích cực của Việt Nam đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam tuyên bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028…

Các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày hai chuyên đề gồm: “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” và “Bảo đảm quyền của người lao động trong bối cảnh kinh doanh và tự do hóa thương mại”. Các chuyên đề được các đại biểu đánh giá tích cực vì đã cung cấp những thông tin, kiến thức thiết thực về lĩnh vực bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặt ra những yêu cầu và quy định mới liên quan trực tiếp tới quyền của người lao động trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là việc thành lập các tổ chức của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn.

Tin ảnh: PHẠM TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.