Theo đó, với mong muốn nói lên tiếng nói của người dân các dân tộc thiểu số nhằm đóng góp vào việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hiệu quả và thực chất hơn, Mạng lưới Tiên phong đã thực hiện khảo sát để tìm hiểu thực tế thực hiện gói hỗ trợ tại địa phương tác động của gói hỗ trợ này. Việc khảo sát được thực hiện trong thời gian một tháng, với 17 nhóm địa phương, tham gia bằng cách thu thập các câu chuyện thực tế từ các hộ gia đình tại địa phương của họ. 

Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN.

Báo cáo cũng đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số, vượt qua đại dịch. Trong đó, cần rà soát lại những đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch dẫn đến việc cuộc sống trở nên khó khăn và cần có hỗ trợ khẩn cấp để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bổ sung những đối tượng này vào đối tượng được hưởng hỗ trợ. Các hướng dẫn về đối tượng được thụ hưởng cần rõ ràng và có sự chỉ đạo cụ thể từ Trung ương xuống địa phương, tránh bỏ sót hoặc hỗ trợ sai đối tượng; cần có biện pháp để nghe ý kiến phản hồi trực tiếp từ người dân một cách kịp thời, giúp điều chỉnh thực hiện một cách hiệu quả. Đảm bảo thông tin về chính sách được rõ ràng và đến với mọi người dân. Cụ thể, thông báo về chính sách hỗ trợ cần được công bố tại cấp thôn, tổ và thông báo tại các cuộc họp thôn, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân… giúp người dân được tiếp cận thông tin một cách minh bạch và đầy đủ.

Báo cáo cũng khuyến nghị nên có những điều chỉnh phù hợp về thủ tục để phù hợp với điều kiện của đối tượng hỗ trợ. Cụ thể trong trường hợp lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), thì thay vì những yêu cầu về thủ tục như hiện nay, nên cho phép đối tượng tự cam đoan chịu trách nhiệm với sự đảm bảo của cộng đồng (cấp thôn, tổ); cân nhắc thay đổi cách thức triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp sang hướng tạo việc làm và thu nhập ngay tại địa phương (nơi người lao động mất việc làm trở về) bằng cách phân bổ cho các địa phương có nhiều lao động tự do, lao động di cư để thực hiện các chương trình phúc lợi cho cộng đồng (dọn rác, trồng cây...) và sử dụng số tiền từ gói hỗ trợ để chi trả nhân công với mức chi thấp hơn thu nhập bình quân của lao động tự do...

THÀNH TRUNG