Việc hoàn thiện các tuyến đường vành đai hiện có đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch và tầm nhìn tới năm 2030 với nhu cầu vốn khoảng 17.000 tỷ đồng được cân đối từ nguồn 36.000 tỷ đồng được xác định dành do các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xác định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của TP Hà Nội. Trọng tâm đầu tư chính là các tuyến đường Vành đai 2,5 và 3,5.
Cụ thể, tuyến đường Vành đai 1 hiện nay đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được 4,71km/7,21km và phần còn lại đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng theo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Dự án này đã được khởi công xây dựng, song do khó khăn về giải phóng mặt bằng (khoảng 2.000 hộ dân), tồn tại nhiều khó khăn như các hộ dân không hợp tác, có nhiều nội dung kiến nghị về diện tích, đơn giá đền bù... UBND TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện và giải quyết các khó khăn vướng mắc.
Tuyến đường Vành đai 2 hiện nay đã hình thành toàn tuyến và khép kín đường vành đai, trong đó đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch 28,46km; đang thi công mở rộng với quy mô quy hoạch 6,54km theo dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và dự án đường Vành đai 2 trên cao thực hiện theo hợp đồng BT.
 |
Cùng với dự án đường Vành đai 4, Hà Nội cũng đang triển khai một loạt dự án hạ tầng khác để tạo động lực phát triển cho Thủ đô trong tương lai. |
Tại thời điểm hiện tại, tuyến đường Vành đai 2 đã được khép kín và thông tuyến toàn bộ. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (35km/39km, tương ứng khoảng 90%).
Tuyến đường Vành đai 2,5 có chiều dài khoảng 19,41km. Hiện đã đầu tư theo quy hoạch được 9,59km, đang thực hiện đầu tư 5,97km và xác định đầu tư đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dài khoảng 1km tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Trong giai đoạn 2021-2025, tuyến Vành đai 2,5 sẽ hoàn thành việc đầu tư theo quy hoạch được 16,56km/19,41km (đạt khoảng 85%).
Phần tuyến vành đai 2,5 dài khoảng 2,85km là các đoạn đi qua các cụm dân cư lớn, trong trường hợp triển khai, chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân khu vực đi qua, việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án có thể kéo dài, dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng như hiệu quả dự án sẽ không cao. Theo đó, việc nghiên cứu triển khai đoạn tuyến này sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Tuyến đường Vành đai 3 chiều dài khoảng 68km. Hiện nay đã được đầu tư, thông tuyến được 54km từ Nội Bài đến Việt Hùng (Đông Anh). Tại thời điểm hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đã được thông tuyến toàn bộ từ Nội Bài đến Việt Hùng (Đông Anh), phục vụ nhu cầu di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, sang phía Đông thành phố và ngược lại.
Việc đầu tư đoạn tuyến Vành đai 3 phía Bắc dài khoảng 14km từ cao tốc Hà Nội Thái Nguyên - Nội Bài để khép kín tuyến đường Vành đai 3 sẽ được UBND TP Hà Nội nghiên cứu thực hiện tổng thể cùng với việc phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng.
Tuyến đường Vành đai 3,5 chiều dài khoảng 45,64km. Hiện nay đã đầu tư theo quy hoạch được 9,5km (từ Đại Lộ Thăng Long - trục phía Nam); đang thực hiện đầu tư theo quy hoạch 5,5km từ Quốc lộ 32 - Đại lộ Thăng Long theo 2 dự án và đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 25,1km theo 5 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.526 tỷ đồng.
Các dự án đang thực hiện đầu tư và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đã được xác định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Hà Nội. Như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025, tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ được đầu tư theo quy hoạch phần lớn chiều dài tuyến (40,1km/45,64km tương ứng khoảng 88%), riêng đoạn tuyến còn lại từ cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ - cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên sẽ được tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
Tin, ảnh: NGỌC HUY