Diễn đàn Mekong Startup lần 1 - năm 2022 được diễn ra trong hai ngày 19 và 20-12. Sự kiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức, có sự chỉ đạo trực tiếp, cố vấn nội dung của lãnh đạo Chính phủ và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh buổi họp báo thông tin về Diễn đàn Mekong Startup do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đồng Tháp tổ chức lần thứ 1 năm 2022. 

Với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, kết cấu diễn đàn có 3 phiên nghị sự gồm: Phiên biểu diễn các công nghệ mới của ngành nông nghiệp; phiên tư vấn chia sẻ với các doanh nghiệp khởi nghiệp và phiên Diễn đàn toàn thể.

Chương trình nghị sự gắn với các chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đó là lúa gạo, thủy - hải sản, trái cây. Đặc biệt, phiên toàn thể sẽ do lãnh đạo Chính phủ chủ trì, trên cơ sở các vấn đề xoay quanh các chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực, tập trung thảo luận về bối cảnh và các thách thức, cơ hội đặt ra cho ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để hướng tới mục tiêu hiện đại, bền vững, phát thải thấp.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phát biểu tại buổi họp báo.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, mục tiêu của Diễn đàn là hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng “phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, bảo đảm hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”; trọng tâm vào bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng.

Đồng thời, tạo lập cơ chế đối thoại công - tư thường xuyên, liên tục ở quy mô cấp vùng, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển, quảng bá, tạo cơ hội tiếp cận vốn/nhà đầu tư cho các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đại diện cơ quan báo chí trao đổi tại buổi họp báo. 

"Sự kiện cũng là cơ hội nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ", bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhấn mạnh. 

Tin, ảnh: THÚY AN