Trình bày tóm tắt Báo cáo tình hình 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu bật, sau khi Luật Quảng cáo được ban hành, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo tiếp tục được đẩy mạnh. Đến tháng 12-2023, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Quảng cáo cơ bản được ban hành đầy đủ.
Những năm qua, các cơ quan báo chí nói chung đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo. Các báo, tạp chí in cơ bản có diện tích quảng cáo không vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác; không quảng cáo trên bìa một của tạp chí, trang nhất của báo. Các báo, tạp chí điện tử cơ bản không thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin. Thời lượng quảng cáo của các đài phát thanh truyền hình địa phương trung bình khoảng từ 1% đến 4%, Đài Truyền hình Việt Nam khoảng 8% đối với một số kênh có nhiều người xem như VTV1, VTV3.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo bị các cơ quan chức năng xử lý. Cụ thể như: Thanh tra Bộ (VHTTDL) từ năm 2013 đến nay đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo trong lĩnh vực y tế với số tiền 1 tỷ 338 triệu đồng; Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) từ năm 2015 đến nay đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo với số tiền 210 triệu đồng; Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từ năm 2013 đến nay đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 628 hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo với số tiền hơn 17 tỷ đồng…
Ngoài những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo. Cụ thể, nội dung quảng cáo do các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam thiết kế vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, không thu hút được khách hàng và không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Xuất hiện nhiều nội dung quảng cáo, cho dù không vi phạm pháp luật, nhưng rất phản cảm, gây ra nhiều tranh cãi, bất ổn trong xã hội; quảng cáo không phản ánh đúng sự thật, đưa ra các bằng chứng không được kiểm chứng khiến cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi mua các sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo.
Doanh thu của các phương tiện quảng cáo truyền thống sụt giảm mạnh do các quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội cũng như tác động của dịch Covid-19 kéo dài. Tiềm ẩn bất cập trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với các loại hình quảng cáo trên Internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng (KOLs). Một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về thủ tục hành chính như một số loại giấy tờ trong hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo; thời hạn của bảng quảng cáo… còn gây khó khăn trong việc thực hiện.
Để giải quyết những bất cập tại Luật Quảng cáo, trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cử tri, đại biểu Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đề xuất một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung như: Các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam; các quy định đối với hoạt động đầu tư, hợp tác của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài; quy định về cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, hiệu lực pháp lý của kết quả thẩm định, đồng thời tăng cường yêu cầu của việc xây dựng và thực thi quy tắc ứng xử; quy định về thời lượng quảng cáo cho phép trên chương trình phim truyện; quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải; một số nội dung về thủ tục hành chính tại Luật Quảng cáo…
Tin, ảnh: VŨ NGỌC TÚ