Với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung cho công tác cải cách thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 |
Một hội thảo về vai trò của doanh nghiệp trong cải cách thể chế. Ảnh minh họa/thoibaonganhang.vn |
Cụ thể: Đã tham mưu tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, cải cách hành chính và hợp tác quốc tế về pháp luật; rà soát, hệ thống hóa gần 9.000 văn bản, trong đó có hơn 5.000 văn bản thuộc 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phương án xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
Ngoài ra, hoàn thành việc xử lý nhiều văn bản trái pháp luật, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân; thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt với việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với định hướng chuyển đổi số đã làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả cả trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Minh chứng cho kết quả nêu trên là điểm đánh giá về lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế đã có nhiều cải thiện về giá trị điểm số so với những năm trước đây, trong đó, qua thẩm định của Bộ Tư pháp nhận thấy có nhiều bộ, địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tốt như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lai Châu...
Những kết quả công tác cải cách thể chế nêu trên không chỉ kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ mà còn đóng góp trực tiếp quan trọng vào việc hoàn thành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng bộ, ngành, địa phương, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
PHƯƠNG MINH