Tiếp nối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Thụy Sỹ được thiết lập từ năm 1971, các chương trình hỗ trợ phát triển (ODA) Thụy Sỹ dành cho Việt Nam được bắt đầu từ năm 1992. Tính đến năm 2016, Thụy Sỹ đã cam kết dành 467 triệu phờ-răng (Thụy Sỹ), tương đương 488 triệu USD để hỗ trợ chương trình cải cách và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thông qua 2 cơ quan phát triển là SDC (Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ) và SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ).

Với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam cũng như những kết quả đáng ghi nhận về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và việc trở thành nước có thu nhập trung bình, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách viện trợ chính thức cho Việt Nam. Theo đó, Thụy Sỹ sẽ kết thúc các chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực quản trị công và xóa đói giảm nghèo do SDC thực hiện, thay vào đó là đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế trong khuôn khổ sự hỗ trợ của SECO.

Chiến lược mới sẽ tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế do SECO thực hiện với tổng cam kết viện trợ không hoàn lại dự kiến là 90 triệu phờ-răng (Thụy Sỹ). Chiến lược hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020 của SECO sẽ hỗ trợ 3 mục tiêu chính: Tăng cường thể chế và chính sách kinh tế hiệu quả; phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khae năng cạnh tranh. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý tài chính công, tăng cường ngành tài chính, tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các dự án ODA do Thụy Sỹ tài trợ đều đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, người dân Việt Nam; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

MINH MẠNH