•  

    leftcenterrightdel
     Vị trí của bão số 3 (Wipha) lúc 11 giờ 20 ngày 22-7 khi đi vào đất liền. Nguồn: Zoom Earth

    14 giờ: Bão nằm trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa, sắp suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

    Lúc 14 giờ ngày 22-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/giờ.

    Dự báo, đến 13 giờ chiều mai (23-7), bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗ giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

    Do ảnh hưởng của bão, khu vực vịnh Bắc Bộ (đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu, Hòn Ngư) có gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

  • Đề phòng hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất sau bão số 3

    Nhận định về diễn biến của bão, trưa 22-7, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Văn Đại cho biết, dự báo trong chiều 22-7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng áp thấp.

    Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Đại lưu ý, hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn ở khu vực Nghệ An, Thanh Hóa với lượng mưa phổ biến 50-100mm,  khu vực nam Sơn La và Nam Phú Thọ có mưa 30-70 mm.

    "Với dự báo như trên thì nguy cơ cao xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ trong chiều và đêm 22-7, trong đó đáng lưu ý là khu vực phía Tây Thanh Hóa và Nghệ An", ông Đại nêu rõ.

    Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn Đại, khu vực Nghệ An, Thanh Hóa đang có mưa to, các sông suối bắt đầu hình thành dòng chảy lũ và sẽ tăng mạnh. Do vậy trong thời gian này, người dân cần hạn chế di chuyển, nếu có việc cần thiết thì hạn chế đi lại tại các khu vực ven sông suối, các ngầm tràn do lũ có khả năng lên nhanh, dẫn đến việc không kịp ứng phó....

  • 12 giờ 35 phút: Bão số 3 gây mưa lớn, nhiều tuyến đường ở Thanh Hóa ngập sâu

    Ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Lượng mưa lớn liên tục đổ xuống trong thời gian dài đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn ngập sâu cục bộ.

    Tại tuyến Đại lộ Lê Lợi - trục giao thông huyết mạch của Phường Hạc Thành, nhiều đoạn nước mưa dâng cao từ 20 đến 40cm, khiến hàng loạt phương tiện lưu thông khó khăn, nhiều phương tiện quay đầu tìm hướng khác. Tại tuyến đường Phan Chu Trinh, khu vực thường xuyên bị ngập, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan đi qua dẫn đến phương tiện bị chết máy, phải nhờ sự trợ giúp của các xe cứu hộ.

    leftcenterrightdel

     Nhiều tuyến đường ở Thanh Hóa ngập sâu do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: baothanhhoa.vn

    Không chỉ gây khó khăn khi tham gia giao thông, tình trạng ngập úng cục bộ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn điện, vệ sinh môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông. Trên một số tuyến đường, nhiều cây to bị bật gốc gãy đổ, chắn ngang đường, các lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt để cưa cây, dọn cành, để các phương tiện lưu thông. Mưa lớn liên tục cũng khiến nhiều cống thoát nước tại nhiều vị trí bị quá tải, nước rút rất chậm, mưa kéo dài liên tục nên tình trạng ngập sâu kéo dài gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông…

    Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi không có việc thật sự cần thiết. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến ngày 23-7, khu vực Thanh Hóa có mưa to đến rất to, lượng mưa 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Vì vậy nguy cơ ngập lụt đô thị và vùng trũng thấp sẽ có thể tiếp diễn…

  • 12 giờ 30 phút: Bão số 3 gây gió giật mạnh, mưa lớn tại Ninh Bình

    11 giờ trưa 22-7, bão số 3 đổ bộ trên đất liền tại vùng biển xã Kim Đông, Ninh Bình với gió khoảng cấp 6 đến cấp 7, giật cấp 9, mưa to xuất hiện tạt rát vào cửa kính của nhà Trạm tiền phương, đê Bình Minh 2.

    Ông Hoàng Trọng Lễ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Kim Đông cho biết, từ đêm qua đến thời điểm hiện tại xảy ra hiện tượng mưa rất to, trung bình khoảng 250mm. Sóng biển cao từ 2 đến 3m. Hiện nước biển dâng cách bờ đê khoảng 2m và dự báo khoảng 12 giờ trưa nay, nước sẽ đạt đỉnh, cách mặt đê khoảng 1m tại cống CT11, là điểm xung yếu trên đê. Đến thời điểm hiện tại, mưa bão đã ảnh hưởng đến hầu hết diện tích quản canh, một phần diện tích nuôi công nghệ cao trên địa bàn xã; ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi trồng thủy sản của xã khoảng 1.500ha.

    leftcenterrightdel
    Sáng 22-7, trên địa bàn phường Hoa Lư xuất hiện nhiều cây xanh lớn bị gãy đổ. Nhiều người dân cho biết, nguyên nhân là do từ tối qua đến sáng nay, gió rít rất mạnh khiến cây bật gốc. Ảnh: daidoanket.vn
    leftcenterrightdel
     Tại lối đi vào nhà thờ đá Phát Diệm, nước ngập trên 30cm, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Ảnh: daidoanket.vn
    leftcenterrightdel
     Tại Trường THPT Kim Sơn A, nước ngập sâu tại nhiều vị trí. Ảnh: daidoanket.vn

    Xã Kim Đông xây dựng 9 điểm chốt chặn xung yếu trên địa bàn, phân công các tổ trưởng và thành viên cụ thể; chuẩn bị 3.000 bao tải, cuốc, xẻng, đèn pin, áo mưa, dây thép… Trạm y tế xã chuẩn bị cơ số thuốc phục vụ phòng, chống thiên tai và tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ tại trạm y tế khi bão đổ bộ vào địa bàn. Ban văn hóa thông tin liên hệ chi nhánh Điện lực Kim Sơn kiểm tra đường điện sáng bảo đảm cung cấp điện và khắc phục kịp thời những sự cố xảy ra khi bão gây ra.

    Dự báo chiều và đêm nay 22-7, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên vùng biển ngoài khơi còn diễn biến phức tạp, có gió mạnh cấp 7 đến 9, giật cấp 11 đến 12; sóng biển cao 2 đến 4m, biển động rất mạnh. 

  • 12 giờ 15: Hoàn lưu bão số 3 làm 99 căn nhà của người dân ở An Giang bị sập và tốc mái

    Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (tên quốc tế là WIPHA), gây mưa lớn, giông, lốc ở một số nơi trên địa bàn, đã làm 1 người bị thương, 99 căn nhà của người dân sập và tốc mái.

    leftcenterrightdel
    Lực lượng chức năng phường Bình Đức (tỉnh An Giang) hỗ trợ người dân thu dọn nhà cửa bị ảnh hưởng của bão số 3, sớm ổn định cuộc sống. 

    Theo đó, từ ngày 20 đến 21-7, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, dông, lốc một số nơi trên địa bàn tỉnh An Giang đã làm 11 căn nhà dân bị sập, 88 căn dân bị tốc mái; một thuyền đánh cá bị chìm trên địa bàn Đặc khu Phú Quốc, rất may không có thiệt hại về người.

    Ngoài ra, mưa, dông, lốc đã làm gãy đổ 77 cây xanh, 3 cột điện, tốc mái che 6 cơ sở lò gạch trên địa bàn các xã: An Cư, Nhơn Mỹ, Bình Đức, Mỹ Thới, Núi Cấm, phường Tịnh Biên, phường Rạch Giá, phường Vĩnh Thông, Tân Hiệp và Đặc khu Phú Quốc… Ước tính tổng thiệt hại về vật chất trên 3,6 tỷ đồng.

    Hiện Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang đang tích cực phối hợp các xã, phường trong tỉnh và các ngành liên quan thực hiện thủ tục để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng dông lốc theo quy định hiện hành. (Tin, ảnh: TTXVN)

  • Thống kê nhanh khi bão số 3 đổ bộ vào Ninh Bình

    Sáng 22-7, bão số 3 bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực ven biển của tỉnh Ninh Bình khiến một số địa phương bị ngập. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng nhanh chóng hỗ trợ, di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

    Sáng sớm 22-7, trên địa bàn xã Hải Thịnh có mưa to, gió lớn. Thời gian mưa kéo dài khiến một số vùng trũng ven đê biển Cồn Tròn, đê Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3, tổ dân phố số 1, 2, 3, 5 của xã Hải Thịnh bị ngập. Nước nhanh chóng tràn vào những nhà dân có nền nhà thấp với mức nước khoảng 20cm, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân.

    Hải Phòng dự báo có mưa to và dông

    Theo Đài khí tượng Thủy văn Hải Phòng, khu vực Hải Phòng có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Lượng mưa tính từ 7 giờ sáng 20-7 đến 7 giờ sáng 21-7 phổ biến ở mức 10 - 40mm, riêng tại Bạch Long Vĩ là 56mm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nên ở khu vực Hải Phòng từ sáng 21-7 đến chiều tối ngày 22-7 có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến ở mức 100-350mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ đêm 22-7, mưa lớn giảm.

  • Bão số 3 đã đi vào đất liền các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình; Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa rất to từ chiều và tối nay

    Trưa 22-7, tâm bão đã đi vào khu vực đất liền các tỉnh Hưng Yên-Ninh Bình. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ hiện có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Đặc khu Cô Tô có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Cát Bà (đặc khu Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cửa Ông có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Bãi Cháy có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Quảng Hà có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Tiên Yên có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14. Trạm Thái Bình có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Móng Cái có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Phủ Liễn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8,…

    leftcenterrightdel
     Khu vực phường Trần Hưng Đạo, tỉnh Hưng Yên sáng 22-7-2025 có mưa và gió giật mạnh. Ảnh: TTXVN

    Ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm. Nước dâng do bão tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 0,6m và tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 0,8m.

    Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Gió cấp 8 có thể làm gãy cành cây, tốc mái nhà, gây thiệt hại về nhà cửa.

    Đến chiều và tối 22-7, do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm. (THANH HẢI)

     

  • 11 giờ 15 phút: Bão số 3 giảm cấp, sức gió giật cấp 10.

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 11 giờ trưa nay (22-7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình.

    Sức gió mạnh nhất: Cấp 8 (62–74km/giờ), giật cấp 10.

    Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/giờ.

    leftcenterrightdel
     Bão số 3 giật cấp 10, đổ bộ đất liền tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình.

     

  • 11 giờ 05 phút: Hà Nội trời tạnh ráo

    leftcenterrightdel
    Tình hình giao thông có dấu hiệu giảm nhiệt hơn so với mọi khi, người dân cũng đề phòng bão hơn và hạn chế ra đường. 

    Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, để phòng ngừa tai nạn, người dân nên hạn chế ra đường nếu không thực sự cần thiết; khi lưu thông cần giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn chiếu sáng và chú ý quan sát. Không trú mưa dưới gốc cây, gần cột điện, biển quảng cáo hoặc những nơi có nguy cơ sạt lở, đổ sập. Người điều khiển mô tô, xe máy cần mặc áo mưa gọn gàng, không che khuất tầm nhìn, tránh bị gió tạt gây tai nạn. Các phương tiện lớn cần chủ động kiểm tra hệ thống phanh, đèn, gạt mưa… bảo đảm điều kiện kỹ thuật khi di chuyển trong mưa gió.

    Người dân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn, chỉ huy điều tiết giao thông của lực lượng CSGT tại các nút giao, khu vực ngập úng hoặc xảy ra sự cố. Mọi tình huống khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ, đề nghị liên hệ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội theo số điện thoại: 0243.9424451.




  • Tạm dừng 2 tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo

    Do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha), hai tuyến tàu cao tốc từ Vũng Tàu và trung tâm TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo sẽ tạm dừng khai thác đến hết ngày 25-7. Dự kiến các tuyến hoạt động trở lại vào ngày 26-7, tùy theo điều kiện thời tiết thực tế.

    Theo Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express), do điều kiện khai thác thực tế, kết hợp dự báo thời tiết không thuận lợi trong các ngày tới do ảnh hưởng của bão Wipha, doanh nghiệp tạm dừng vận hành tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo từ ngày 22-7 đến hết ngày 25-7. Tàu sẽ vận hành bình thường vào ngày 26-7-2025 (thứ Bảy).