Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, An Giang sẽ có mưa to (100-200 mm/đợt), khả năng xảy ra dông và lốc xoáy. Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân do ảnh hưởng của bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai.

Đối với UBND các huyện, thị xã và thành phố, chủ động tuyên truyền cho người dân hiểu biết về các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ, ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đảm bảo diện tích xuống giống, khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chỉ đạo lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu tạm…để đề phòng các đợt mưa gây ngập úng cục bộ, bảo vệ tốt diện tích sản xuất vụ Thu Đông năm 2018 vụ Đông Xuân 2018 - 2019 (chú trọng diện tích sản xuất lúa và rau màu); cưa, chặt mé các cây cao có khả năng đổ ngã, nhất là những cây gần nhà và ven sông rạch; rà soát và kiểm tra các hệ thống đê bao, tăng cường gia cố các tuyến đê xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở khi có mưa lớn xảy ra giải pháp bảo vệ các lồng bè, ao nuôi thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp do bão gây ra.

UBND các huyện, thị xã và thành phố tích cực triển khai có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị vật tư và phương tiện để ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện tốt chế độ trực 24/24 và báo cáo nhanh về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh (nếu địa phương có bị ảnh hưởng) để UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. (TUẤN HƯNG)

*Tại hai tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi để tránh bão số 9. Lực lượng chức năng TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải đã tích cực giúp dân chằng chống nhà cửa. Các địa phương ven biển cũng chuẩn bị phòng chống bão theo phương án 4 tại chỗ. Theo ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu, đơn vị cũng đã yêu cầu bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 13 giờ ngày 24-11, cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 9, thì cho tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường.

Sóc Trăng chủ động kêu gọi tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn.

Tại Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, địa phương chưa tổ chức sơ tán dân. Tuy nhiên, trường hợp bão số 9 chuyển hướng bất ngờ thì tỉnh này sẽ sơ tán hàng chục nghìn người dân ở các huyện: Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Lãnh đạo các huyện, xã, thị trấn đã trực tiếp xuống kiểm tra tình hình phòng chống bão, đồng thời thành lập đội cơ động, xung kích để hỗ trợ dân khi cần thiết. Ngoài ra cũng khuyến cáo người dân không thả tôm và xuống giống rau màu trong thời gian mưa bão nhằm tránh ảnh hưởng. Riêng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã kiểm tra, rà soát số phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động, thông báo cho chủ phương tiện tàu thuyền biết về diễn biến của bão số 9 để chủ động các phương án tránh, trú phù hợp.

Hiện, tỉnh Sóc Trăng còn 224 phương tiện đánh bắt thủy sản ngoài khơi với 1.401 thuyền viên. Trong đó, tàu xa bờ là 189 chiếc (1.315 thuyền viên) và gần bờ có 35 chiếc (86 thuyền viên). Cơ quan chức năng ở tỉnh này đã kêu gọi các tàu khẩn trương vào bờ, tìm nơi tránh, trú bão. Đối với tàu thuyền đang neo đậu trong bờ đã nhận được lệnh cấm ra khơi. (THÚY AN- TRUNG HIẾU)

* Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương và ban, ngành của tỉnh Tiền Giang, bão số 9 (Usagi) không gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Từ 6 giờ sáng ngày 25-11, mưa lớn bắt đầu xuất hiện tại huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Từ khoảng 11 giờ trưa 25-11, mưa bắt đầu lớn dần, đồng thời, gió lớn cũng xuất hiện. Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, lượng mưa đo được tại Trạm đo Vàm Láng là 29,2 mm, tại Trạm Phú Đông là 22,2 mm… Đến 15 giờ, gió đã giảm đi nhiều và chủ yếu chỉ còn mưa.

Thông tin từ Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, cho biết: Toàn tỉnh có 1.686 người từ các lực lượng tham gia phòng chống bão số 9. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh có 126 người, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có 125 người, lực lượng dân quân 570 người. Ngoài ra còn có một số lực lượng, phương tiện của tại các đơn vị thuộc Quân khu 9 sẵn sàng tham gia phối hợp, ứng cứu khi có yêu cầu, tình huống xảy ra. Trước 16 giờ ngày 24-11, lực lượng của quân đội đã tham gia sơ tán 9.622 người ở 4 huyện (Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công, Gò Công Tây) từ ngoài đê vào trong đê, người dân từ nơi không an toàn đến các trạm y tế, trường học, nhà dân kiên cố để bảo đảm an toàn.

Công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn cũng được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tiền Giang nhanh chóng, chủ động triển khai ngay từ khi áp thấp nhiệt đới hình thành. Cụ thể, số tàu thuyền đã vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú là 964 phương tiện và 5.351 người; số tàu thuyền hoạt động trên vùng biển vẫn bảo đảm an toàn là 474 phương tiện với 4.658 người. Cũng từ 13 giờ ngày 24-11, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấm các tàu thuyền ra biển và cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Cũng từ 22 giờ ngày 24-11, tất cả các bến đò, bến phà sang huyện Tân Phú Đông đã bị cấm cho đến khi bão số 9 đi qua. (ĐỨC TUẤN-QUANG ĐỨC)