* Tại cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh miền núi phía Bắc và các bộ, ngành liên quan ứng phó bão số 5 diễn ra ngày 9-9, tại đầu cầu Hà Nội, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố, lực lượng biên phòng địa phương tăng cường kêu gọi tàu thuyền tránh bão, nắm rõ chi tiết từng tàu và chủ động liên lạc, không lặp lại như năm 2020 xảy ra việc 2 tàu với 23 ngư dân mất tích do chủ quan với bão, di chuyển chậm khi tránh trú. Mặt khác, đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể bởi với quy định tại “vùng đỏ” là “ai ở đâu ở yên đó” theo Chỉ thị 16/CT-CP, sẽ rất khó thực hiện công tác sơ tán, hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, nhất là sơ tán đến nơi tập trung, khó tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, bão số 5 có diễn biến phức tạp, khó lường. Mặt khác, do ngoài khơi Thái Bình Dương đang tồn tại một cơn bão khác là Chanthu tương tác với bão số 5 nên bão có xu hướng di chuyển chậm lại. Việc dự báo hướng đổ bộ của bão số 5 rất khó, hiện trên thế giới, các cơ quan dự báo bão đang đưa ra nhiều mô hình với hướng đi của bão khác nhau nhưng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo bão đi vào vùng biển Bắc Trung Bộ nên các địa phương ảnh hưởng chủ động ứng phó bão số 5.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến mưa đặc biệt là các địa phương có mưa lớn để chủ động ứng phó, phòng tránh; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về diễn biến phức tạp của mưa lũ, bão trên Biển Đông cũng như công tác phòng tránh, ứng phó; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 9-9 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền/349.088 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú (khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là 497 tàu/4.104 người; hoạt động khu vực khác là 13.834 tàu/67.801 người; neo đậu tại bến là 51.169 tàu/227.183 người).

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng (rủi ro thiên tai cấp 3) trong điều kiện diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, trong đó miền núi phía Bắc sơ tán 154.396 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sơ tán 143.392 dân khu vực ven sông và ngoài đê; sơ tán 231.096 dân khu vực ven biển...

* Ngày 9-9, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Nghệ An do Đại tá Nguyễn Công Lực, Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão Conson.

Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão Conson. 

Sau khi kiểm tra thực tế tại các địa phương, Đại tá Nguyễn Công Lực yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi thông tin, tình hình và hướng đi của bão số 5 (Conson) trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra doanh trại, kho tàng, chặt tỉa, chằng chống cây xanh, chủ động phối hợp cấp uỷ chính quyền địa phương, các lực lượng kiên quyết không cho tàu thuyền ra biển khi có bão để đảm bảo an toàn,... Đồng thời tham mưu địa phương sẵn sàng phương tiện, lực lượng giúp dân khi bão vào. (Tin, ảnh: HẢI THƯỢNG)

Nhằm ứng phó và giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bão Conson, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tích cực thông tin, tuyên truyền, kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đang hoạt động tại vùng nguy hiểm về nơi tránh trú bão an toàn. (LÊ THẠCH)

*Ngày 9-9, để chủ động phòng chống bão số 5, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành công văn 12/CĐ-UBND chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh chủ động ứng phó với bão và mưa lũ. 

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 và mưa lớn, các đơn vị chú trọng các phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly trên địa bàn tỉnh; rà soát, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu thoát lũ; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... (TTXVN)

*Do ảnh hưởng của bão số 5, tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện yêu cầu các địa phương, sở, ngành, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 5, nhưng vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi diễn biến bão, tình hình mưa lũ chặt chẽ, kịp thời lên phương án để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; khẩn trương rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình phối hợp với các địa phương ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt; hướng dẫn tàu thuyền đã vào bờ hoặc đang neo đậu ở những khu vực an toàn tổ chức neo đậu chắc chắn... (TTXVN)