Theo thống kê sơ bộ, Tổng cục phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm 47 người chết do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nguyên nhân lũ ống, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài, rừng bị tàn phá khiến loại hình thiên tai này ngày càng để lại hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt những năm gần đây, sạt lở đất, lũ quét đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Điển hình đợt lũ quét, lũ ống lịch sử xảy ra ngày 2 và 3-8-2017 ở 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lại Châu làm 42 người chết, thiệt hại về chất khoảng 1.400 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Trạm đo mưa của Công ty CP Truyền thông nông nghiệp đa phương tiện ( AgriMedia) được giới thiệu tại hội thảo. 
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đến nay, công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến tích cực (thực hiện bản tin cảnh báo đến cấp huyện): Xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, năm 2017, xây dựng được 79 trạm đo mưa chuyên dùng. Đồng thời công tác ứng phó thiên tai đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng: Đào tạo được 317 giảng viên cấp tỉnh về công tác phòng chống, ứng phó thiên tai, 703.275 hộ dân được cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức về PCTT, trong đó có 36.165 hộ hiện có chỗ ở kém an toàn, 1.686 hộ cần phải di dời khẩn cấp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT): Công tác ứng phó với bão trên biển đã phát huy hiệu quả tích cực, nhờ đó được giảm thiểu tối đa về người, tài sản, tàu thuyền. Tuy nhiên, riêng với loại hình thiên tai: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường và thường để lại hậu quả nặng nề.

Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất và lũ quét, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh:  Cùng với biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng cho người dân  PCTT, nâng cao chất lượng dự báo, trong đó có dự báo mưa chúng ta cần có biện pháp bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân vùng miền núi. Về lâu dài, phát triển kinh tế -xã hội ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung phải gắn với công tác phòng chống và ứng phó thiên tai. Về ý nghĩa buổi hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng: Nhật Bản là quốc gia có địa hình gần giống Việt Nam, vì thế, những kinh nghiệm trong công tác PCTT trong đó có lũ quét và sạt lở đất là kinh nghiệm tốt để chúng ta tham khảo học tập, đặc biệt là công tác ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM