Về thiệt hại do ảnh hưởng của bão, tại thành phố Phan Thiết, khu vực phường Hàm Tiến từ khu du lịch Biển xanh đến khu du lịch Làng Tre, dài khoảng 1km, sóng to, gió mạnh đã gây sạt lở sâu vào đất liền từ 5 - 10 m. Khoảng 30 thuyền máy nhỏ (dưới 20CV) tại thành phố Phan Thiết bị hư hỏng, chìm. Tại vùng xung yếu thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) sóng biển làm sập 6 nhà tạm và địa phương đã tiến hành di dời 67 hộ/120 khẩu đến trú tạm tại Trường tiểu học Tiến Đức và Nhà văn hóa thôn. Riêng tại huyện đảo Phú Quý, một chiếc tàu neo đậu bị va đập và hư hỏng nhẹ, một chiếc xuồng nhỏ (dưới 20CV) bị chìm đang được trục vớt.
Trong ngày 25-11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
 |
Bão số 9 làm sạt lở nhiều nơi ở ven biển Bình Thuận, nhưng chưa gây thiệt hại về người.
|
Đoàn đã đến kiểm tra tại một số điểm xung yếu ở thành phố Phan Thiết như: khu sạt lở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành; khu vực Hàm Tiến- Mũi Né; khu neo đậu tránh trú bão Phú Hài... Đoàn cũng đã đến kiểm tra công tác công tác vận động, di dời người dân ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi.
Đoàn công tác đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 9 của tỉnh Bình Thuận, nhất là việc kêu gọi tàu thuyền và vận động, di dời người dân khu vực ven biển vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 9. Các huyện, thị xã, thành phố ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp của nước dâng, triều cường, sóng cao và sạt lở. Mặc dù chưa ghi nhận thiệt hại về người tuy nhiên cơn bão đã gây ra một số thiệt hại về tài sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tiếp tục tuyên truyền, thông báo cho người dân về tình hình, đặc điểm và những diễn biến mới nhất của cơn bão số 9 để người dân không chủ quan, lơ là. Đồng thời, Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các công điện về phòng, chống bão theo chỉ đạo của Trung ương và triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục với các sự cố do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra.
Qua kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển tại một số điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với chủ trương và kiến nghị của tỉnh Bình Thuận. Đoàn công tác sẽ báo cáo để cử đoàn chuyên gia đến Bình Thuận nghiên cứu, có hướng sửa chữa, nâng cấp hệ thống kè biển ở tỉnh, nhất là kè biển tại khu vực Đồi Dương, Mũi Né và La Gi.
* Sáng 25-11, Công ty Cổ phần đường sắt Thuận Hải đang huy động hơn 200 nhân công khẩn trương khắc phục sự cố hơn 40 mét nền đường sắt bị lũ cuốn trôi tại Km 1382+600 đoạn qua xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Khoảng 23 giờ đêm 24-11, do ảnh hưởng bão số 9 gây mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh đã gây xói lở, cuốn trôi nền đường sắt tại 2 vị trí, mỗi vị trí dài trên 20 mét tại tại Km 1382+600 thuộc tuyến đường sắt từ ga Kà Rôm (huyện Thuận Bắc) đến ga Phước Nhơn (huyện Ninh Hải). Ngoài ra, nhiều vị trí đường ray bị ngập, gây lở với gần chục điểm, kéo dài chừng 300m.
Do ảnh hưởng rìa Tây Bắc hoàn lưu bão số 9, từ tối 24-11 đến 10 giờ ngày 25-11, khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to, có vài nơi đặc biệt to. Mưa lớn đã gây ngập lụt nặng, làm thiệt hại bước đầu tại một số địa phương của huyện Thuận Bắc, Ninh Phước và Thuận Nam.
Các địa phương vùng trũng thấp các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức sơ tán 113 hộ/312 khẩu; đồng thời hỗ trợ người dân chằng chống 1.145 căn nhà, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở vùng xung yếu. Dự kiến các địa phương sẽ tiếp tục sơ tán hơn 10.000 hộ/39.357 khẩu ở vùng có nguy cơ bị ngập sâu lên tránh trú tại nơi an toàn.
Để ứng phó với mưa lũ, nhiều đoàn công tác của UBND tỉnh đã đến các địa phương vùng xung yếu kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã cấp cho một số sở, ngành và địa phương nhiều vật dụng như: Nhà bạt; áo cứu sinh; 1.500 chiếc phao tròn cứu sinh; 2.960 chiếc phao bè cứu sinh; 20 chiếc xuồng ST- 660; nhiều rọ thép cùng 5.000 bao cát để chủ động ứng phó với mưa lũ.
Tin, ảnh: TTXVN