Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình du lịch Quảng Ninh những tháng đầu năm 2020 vừa qua?
Ông Trịnh Đăng Thanh: Du lịch Quảng Ninh năm 2020 cũng như du lịch cả nước và toàn cầu gặp những khó khăn rất lớn do đại dịch Covid-19. Sau khi hết giãn cách xã hội, ngành du lịch Quảng Ninh hoạt động trở lại từng bước một cách thận trọng, chắc chắn và bài bản. Chúng tôi cho mở dần các cơ sở lưu trú, các bãi tắm cho khách du lịch... Lúc đầu du khách khá thận trọng và không đến ồ ạt. Nhưng khi có niềm tin, họ đã dần quay trở lại Quảng Ninh. Giai đoạn giãn cách xã hội lượng khách là 0 thì sau đó đã tăng dần là 20%, 40%, 50% rồi 60%... so với thời điểm trước dịch. Đến nay, du lịch Quảng Ninh ngày cuối tuần đã gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên, vào những ngày trong tuần, lượng khách chưa thể bằng các năm trước do chúng ta mất khách từ quốc tế, học sinh bị đảo lịch học do không nghỉ hè theo lịch cũ...
 |
Ông Trịnh Đăng Thanh. |
PV: Kinh nghiệm cho các hoạt động kích cầu du lịch của Quảng Ninh là gì, thưa ông?
Ông Trịnh Đăng Thanh: Để kích cầu du lịch cần những chính sách khuyến mại. Các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn đã có hoạt động kích cầu riêng, điều chỉnh giá cho phù hợp theo công suất phòng, công suất khách đến. Ngoài việc điều chỉnh giá, chúng tôi cũng đưa ra nhiều sản phẩm đặc sắc, mang nội hàm mới để thu hút khách. Tỉnh vừa khai trương khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh tại TP Cẩm Phả. Đây là sản phẩm độc đáo nên rất đông khách muốn trải nghiệm. Bên cạnh du lịch biển đảo vẫn tiếp tục được phát huy, chúng tôi đẩy mạnh du lịch cộng đồng, trải nghiệm cảnh quan và bản sắc của 22 dân tộc ở các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên... để mang đến sự khác biệt cho du khách.
Tỉnh đã triển khai chương trình kích cầu du lịch với việc miễn, giảm phí thăm vịnh Hạ Long vào những ngày theo quy định, giảm giá một số dịch vụ... Đây là giải pháp kịp thời giúp ngành du lịch tỉnh khắc phục những khó khăn hiện tại. Nếu không có chính sách này, nhiều nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, người lao động nghỉ việc, nhiều doanh nghiệp phá sản. Cùng với đó, Quảng Ninh đã cử đoàn công tác vào các địa phương phía Nam để quảng bá, liên kết du lịch các địa phương.
 |
Hồ Yên Trung (TP Uông Bí) thu hút du khách đến trải nghiệm.Ảnh: LAN DỊU. |
PV: Ngành du lịch Quảng Ninh xử lý thế nào với một số hiện tượng tranh thủ “đục nước béo cò” trong quá trình phục hồi du lịch, thưa ông?
Ông Trịnh Đăng Thanh: Quan điểm của Quảng Ninh là luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của du khách. Do vậy, qua các các thông tin cả chính thức và không chính thức, thời gian qua, Sở Du lịch, chính quyền địa phương đã tiếp nhận, vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm túc và có những cưỡng chế đối với một số cơ sở kinh doanh gây ảnh hưởng tới quyền lợi của khách du lịch. Mục tiêu là để bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, bảo đảm quyền lợi và làm hài lòng du khách, tạo ra một hình ảnh du lịch Quảng Ninh thân thiện, hấp dẫn và văn minh. Đây cũng là một cuộc đấu tranh tương đối vất vả, gay go vì chỉ cần chúng ta lơ là, sao nhãng chút thôi thì một số cơ sở kinh doanh có thể vì lợi ích trước mắt, vì những tính toán hẹp hòi của mình mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh.
PV: Về lâu dài, để trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, không thể không nói đến các nhà đầu tư. Ông có thể chia sẻ về những chính sách thu hút đầu tư của Quảng Ninh?
Ông Trịnh Đăng Thanh: Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch. Các nhà đầu tư mong muốn được đầu tư cho tỉnh vì họ nhìn thấy đây là "miền đất hứa" với khả năng đầu tư thành công, sinh lời, làm ăn có hiệu quả. Ngoài yếu tố khách quan, chúng tôi luôn nỗ lực để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nên từ chủ trương, quan điểm chỉ đạo đến hành động đều theo hướng tạo điều kiện thông thoáng. Các sở, ban, ngành đều vào cuộc giúp cho việc đầu tư được thuận lợi, nhanh chóng và theo đúng pháp luật.
Thực tế, những năm gần đây, nhiều tên tuổi lớn của cả Việt Nam và nước ngoài đều đã hội tụ đầy đủ ở Quảng Ninh. Chính họ mang đến những loại hình đầu tư khác nhau nên sản phẩm du lịch Quảng Ninh cũng đa dạng, phong phú. Chẳng hạn, FLC mang đến sân golf đầu tiên thu hút dòng khách chi trả cao; Sun Group đầu tư sân bay Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long giúp thay đổi hạ tầng giao thông và diện mạo đô thị, thuận lợi cho việc kết nối du lịch; Mường Thanh có 3 khách sạn ở Bãi Cháy; VinGroup đầu tư ở đảo Rều; Tuần Châu có Cảng tàu du lịch Tuần Châu... Các doanh nghiệp đó đã giúp nguồn thu từ du lịch và đóng góp từ du lịch vào GDP của Quảng Ninh ngày càng tăng. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để du lịch Quảng Ninh phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 theo đúng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MINH NHÃ (thực hiện)