Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 năm 2019 là sự kiện quan trọng nhằm thu hút sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo điều kiện cho du lịch Việt Nam phát triển do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Báo VnExpress tổ chức. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 đại biểu tham dự phiên toàn thể của diễn đàn này.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, trong những năm gần đây du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, Việt Nam đón được gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017. 9 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,8 triệu lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Những thị trường khách trọng điểm tiếp tục tăng trưởng ấn tượng như Đông Bắc Á, Tây Âu, ASEAN. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu gần đây nhất tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Adwards - WTA) dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2019, du lịch Việt Nam đã được vinh danh với 4 giải thưởng: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An.

Nhân dịp diễn ra Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019, Tổng cục Du lịch đề xuất thảo luận, hiến kế cho Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết 5 nhóm vấn đề chính. Đây là những vấn đề thiết thực để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Đó là vấn đề về quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh với khách du lịch quốc tế; mở rộng kết nối hàng không, đẩy nhanh phát triển hạ tầng và nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế.

Quang cảnh họp báo.

Được biết, Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 hướng đến 3 mục tiêu. Đó là thúc đẩy sự phát bền vững cho du lịch Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia; thống nhất giải pháp cơ bản, chương trình hành động để nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam lên 10 - 15 bậc tới năm 2021; tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 8,39% GDP năm 2018 lên trên 10% GDP năm 2021. Thứ hai là cải thiện các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách du lịch từ các thị trường chiến lược và mục tiêu. Thứ ba là hiện thực hóa sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi "Bầu trời mở ASEAN" mà  trước mắt là ưu tiên các nước tiểu vùng sông Mekong (CLMTV).

Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ diễn ra 4 phiên chuyên đề diễn ra đồng thời và một phiên diễn đàn toàn thể. Phiên toàn thể dự kiến thu hút 2.000 khách, ngoài thảo luận, đưa ra giải pháp phát triển du lịch, hàng không còn có phần ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, ra mắt hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Australia.

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần đầu diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12-2018 nhằm tìm các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam bền vững, tầm nhìn 2030. Trong khuôn khổ diễn đàn này, 5 thỏa thuận thương mại trị giá gần 2 tỷ USD đã được ký kết giữa các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trong nước.

Tin, ảnh: NGUYỄN THÚY