Tận dụng lợi thế có diện tích đất lâm nghiệp lớn, từ năm 1998, thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, chính quyền huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế. Nhiều xã trong huyện đổi thay về đời sống xã hội nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp.

leftcenterrightdel
Đa dạng hóa cây trồng trên diện tích đồi rừng góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân xã Cán Khê. Ảnh: Báo Thanh Hóa 

 

Xã Cán Khê có diện tích đất rừng lớn của huyện, với hơn 2.700ha, tuy nhiên trước đây bà con chủ yếu bỏ trống hoặc trồng bạch đàn, không mang lại giá trị kinh tế cao. Từ năm 1998, thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg, phần lớn diện tích đất rừng tại xã Cán Khê được phủ xanh bởi cây keo, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2016, huyện Như Thanh đã xây dựng Đề án "Phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh tái sinh huyện Như Thanh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030". Từ đó, Đảng ủy, chính quyền xã Cán Khê đã phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai các mô hình phát triển kinh tế rừng, cuộc sống của bà con nhờ vậy mà được cải thiện, nhiều hộ gia đình dựa vào đó vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giúp xã Cán Khê hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Gia đình ông Bùi Hồng Quân ở xã Cán Khê có hơn 3ha đất rừng. Trước đây, toàn bộ diện tích này chỉ được sử dụng để trồng mía và sắn nên hiệu quả kinh tế thấp. Triển khai theo đề án phát triển trồng rừng, gia đình ông chuyển đổi sang trồng keo. Qua một vài vụ thu hoạch, gia đình ông đã có nguồn thu nhập lớn, với lợi nhuận từ hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/ha/năm, nhờ đó đã vươn lên thành hộ có kinh tế khá trong xã. Ông Quân cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng sắn, mía nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi được cán bộ xã hướng dẫn chuyển đổi sang trồng cây keo, gia đình tôi đã làm theo. Trồng cây keo không cần chăm sóc nhiều, sau khoảng 4-5 năm sẽ cho thu hoạch, gia đình tôi trồng hơn 3ha, thu về hơn 300 triệu đồng. Qua đó giúp gia đình có thu nhập ổn định, có điều kiện mua sắm đồ dùng, xây sửa nhà cửa”.

Sau khi đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi, phục tráng rừng lim xanh tái sinh được triển khai và mang lại hiệu quả, huyện Như Thanh xác định chọn hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những trụ cột để giúp người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn xóa nghèo bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình kinh tế đồi, rừng đạt giá trị cao, trong đó cây luồng là loại cây bản địa dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng một lần có thể cho thu hoạch lâu dài, vì vậy cây luồng được chọn làm cây phát triển kinh tế gia đình. Riêng tại thôn 4 của xã Cán Khê, nhờ có cây luồng và các cây lâm nghiệp khác đã giúp số hộ nghèo trong thôn giảm mạnh, phần lớn các hộ xóa đói, giảm nghèo thành công là nhờ mô hình trồng rừng. Ông Trần Thanh Truyền, ở thôn 4, xã Cán Khê, cho biết: “Trước đây, ở thôn chúng tôi mỗi năm có trên dưới 40 hộ nghèo. Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ có sự định hướng của chính quyền địa phương chuyển đổi sang trồng luồng và các loại cây có giá trị kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã giảm đáng kể”.

Có thể thấy, việc chọn hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp là bước đi đúng và trở thành bệ đỡ giúp các địa phương như huyện Như Thanh thực hiện tốt công cuộc xóa nghèo bền vững, tạo diện mạo mới cho huyện miền núi phía Tây xứ Thanh.

TUỆ ĐĂNG